Multimedia Đọc Báo in

Cảm nhận từ Mỹ Sơn

08:52, 09/07/2017

Nói như chuyên gia người Ba Lan – Kazimiers Kwiat Kowski: “Người Chămpa cổ đã biết gửi tâm hồn mình vào đất đá – và Mỹ Sơn là một minh chứng cho điều đó”.

Gần 1.000 năm lịch sử đã qua, khu đền tháp kỳ vĩ này luôn có sức cuốn hút, hấp dẫn mọi người đến tìm hiểu và khám phá …

Từ tranh cãi…

Thánh địa Mỹ Sơn bao gồm khoảng 70 công trình kiến trúc đền tháp thờ cúng, hành lễ và lăng mộ của các vua Chăm được xây dựng từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Đây cũng là thời kỳ vàng son nhất của vương quốc Chămpa xưa. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm – Ngô Văn Doanh, đến cuối thế kỷ thứ XIII, thánh địa này bắt đầu bị bỏ rơi do các vương triều Chămpa lúc đó đã suy yếu. Trải qua thăng trầm “dâu bể”, những gì còn lại ở Mỹ Sơn cho thấy người Chămpa cổ đã có một nền nghệ thuật kiến trúc độc đáo, có một không hai trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt trong đó là nghệ thuật xây dựng và chạm khắc trên gạch được thể hiện một cách tuyệt mỹ ở những đền tháp Chăm còn hiện hữu.

Nhân viên khu đền tháp Mỹ Sơn thường xuyên xếp gạch để tạm cố định cho những cụm tháp bị xuống cấp theo thời gian.
Nhân viên khu đền tháp Mỹ Sơn thường xuyên xếp gạch để tạm cố định cho những cụm tháp bị xuống cấp theo thời gian.

Nghệ thuật xây dựng các tháp Chăm chứa đầy huyền thoại, khiến giới nghiên cứu khoa học tốn không ít giấy mực bàn cãi và tranh luận suốt hàng trăm năm qua. Khi đề cập đến tháp Chăm, nhà nghiên cứu Mỹ thuật phương Đông – B.Groslier (người Pháp) cho rằng: Về cấu trúc các đền, tháp Chăm đẹp hơn các đền, tháp người Khơme. Nguyên nhân tạo nên vẻ đẹp ấy là do người Chăm ý thức được về chất liệu (gạch) và biết tôn trọng bản chất của nó. Nghệ thuật kiến trúc Chăm cân bằng, có nhịp độ và sáng nét hơn người Khơme. Còn với các học giả người Việt đã dựng nên câu chuyện người Chăm xây đền, tháp bằng gạch mộc rồi đẽo gọt lên đó, sau đó nung toàn bộ khối đền, tháp trong lò lửa khổng lồ. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, nhà khảo cổ học người Pháp – H.Parmentier đã chỉ ra sự “ngây ngô” từ lý thuyết kia: Gạch mộc làm sao chịu nổi trọng lượng ghê gớm của khối đất nung, có khi cao tới 20 – 30 m như vậy (?) Chỉ còn một giả thuyết đến nay được giới khoa học thừa nhận: Người Chăm xưa xây đền, tháp không chỉ bằng nhựa thực vật, mà dùng cả chính bột gạch để làm chất kết dính.

Đến giải mã

Gần đây, các chuyên gia người Ba Lan cũng nghiêng về giả thuyết này và họ đã dùng các công nghệ hiện đại như nhiễu xạ Rơngen, nhiệt vi phân, quan trắc phổ hồng ngoại để tìm hiểu tính chất vật lý và kỹ thuật kết dính gạch ở những đền, tháp Chăm. Kết quả cho thấy các công trình kiến trúc “kỳ bí” ấy được xây từ những viên gạch nung sẵn, gắn với nhau bằng một màng mỏng dung dịch bằng đất sét (gọi là vữa đất sét), sau đó mới nung lại toàn bộ. Công nghệ này làm cho sự kết dính có tính chất cố định, nó bền vững trong các điều kiện khí hậu.

Điều bí ẩn nữa của đền, tháp Chăm là nghệ thuật chạm khắc trên gạch của những nghệ nhân xưa. Trên hầu hết các đền, tháp Chăm hiện ra dày đặc những hình tượng chạm khắc tinh tế, tuyệt mỹ tựa có “bàn tay phù thủy” nào đó sáng tạo nên. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm – Ngô Văn Doanh, có lẽ chính những hình chạm khắc trên gạch ấy nên một số nhà khoa học (trong nước cũng như quốc tế) mới đưa ra giả thuyết người Chăm xây đền, tháp bằng gạch mộc rồi mới nung. Vì rằng, chỉ trên gạch chưa nung mới có thể đục đẽo được những nét, những khối hình họa hoàn hảo và trau chuốt đến vậy. Giả thuyết này đã không còn thuyết phục khi các chuyên gia người Ba Lan từng bước vén “bức màn bí ẩn” từ các công trình kiến trúc của người Chăm cổ bằng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên. Ở các đền, tháp Chăm tại Mỹ Sơn nói riêng và nhiều nơi khác nói chung không hề thấy lớp vỏ trang trí trước rồi ốp vào mà được chạm khắc trực tiếp vào tường gạch. Chính từ vật liệu xây dựng đặc biệt ấy đã biến các mặt tường gạch của đền, tháp Chăm trở thành chất liệu điêu khắc lý tưởng, không thua kém gì cát, đá mà người Khơme thường sử dụng trong điêu khắc truyền thống của mình. Gạch Chăm nhẹ và xốp nên khi đục đẽo lên đó không hề bị sứt mẻ mà chỉ vụn tơi ra. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia người Ba Lan cũng chứng tỏ điều đó. Nghệ nhân người Chăm xưa quả là tài ba trong việc làm gạch và xây dựng các công trình kiến trúc bằng gạch. Nhờ sử dụng đất sét được làm sạch nên dù nung ở nhiệt độ không cao, gạch Chăm vẫn có độ đồng nhất tốt, có cường độ chịu ép lớn và đặc biệt không bao giờ trương nở trong bất kỳ điều kiện nhiệt độ nào. Có thể nói, từ những đặc điểm ấy, người Chăm cổ đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang sắc thái và giá trị riêng trong nền nghệ thuật kiến trúc Đông Nam Á.         

Hướng dẫn viên Khu đền tháp Mỹ Sơn - Vũ Minh Nhựt nói rằng: “Câu chuyện về Mỹ Sơn phải cần một thời gian dài, khoảng 200 năm nữa chúng ta mới có thể khám phá hết bí ẩn chứa đựng trong đó - là tín ngưỡng, tâm linh của người Chămpa cổ, cùng với kiến trúc xây dựng đền tháp độc đáo và nét điêu khắc tráng lệ, vô giá của nhân loại”. Quả đúng như vậy, các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của khu đền, tháp Mỹ Sơn sẽ còn hấp dẫn và thu hút nhiều người tìm đến để tiếp tục khám phá và giải mã.      

                                                                                                   Đình Đối   


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.