Multimedia Đọc Báo in

Tục mai táng của người Ca Dong ở Quảng Nam

16:57, 02/07/2012

Người Ca Dong là một nhóm của dân tộc Xơ Đăng. Ở Quảng Nam người Ca Dong chủ yếu sống tập trung ở hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và xã Phước Gia của huyện Hiệp Đức. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác,  dân tộc Ca Dong còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt; trong đó, tục mai táng người chết được coi là một nghi lễ mang tính cộng đồng cao, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của người Ca Dong.

Người Ca Dong bằng lòng với cái chết khi đã về già, đã có con cháu sum vầy. Theo quan niệm của người Ca Dong, chết già là chết sung sướng vì hồn được lên trời và được ở rừng ma (gôk kiêk). Họ sợ nhất là chết vì tai nạn, chết bất đắc kỳ tử. Họ cũng sợ chết xa nhà vì theo luật tục của người Ca Dong chết ở đâu phải làm lễ chôn ngay tại đấy, không được khiêng xác về làng. Và họ sợ nhất là người lạ đến nhà họ rồi chết vì khi trong nhà có người lạ chết, họ buộc phải làm nhà khác để ở vì cho rằng hồn ma người chết đã ở nhà mình. Chính do quan niệm này, người Ca Dong thường không muốn khách ốm đau ở nhà mình và khi biết khách ốm sắp chết thì khiêng ngay ra khỏi nhà. Khi người trong gia đình bị chết, người Ca Dong cũng làm lễ an táng như bao dân tộc khác nhưng tục mai táng của người Ca Dong cũng có những nét riêng biệt.

Người chết được đặt nằm, chân hướng ra phía cửa ra vào nhà. Thủ tục đối với người chết cũng đơn giản, cũng thay quần áo, cũng liệm buộc chân tay cho thẳng... Của cải của người chết được để ở phía trên đầu, thức ăn cúng được để ở hai bên chân. Quan tài chôn người chết (vook) được đẽo bằng rìu và để ở ngoài rừng. Khâu đẽo quan tài là một trong những khâu quan trọng vì tốn nhiều thời gian và công sức. Khoảng 20 đến 30 người đẽo 1 ngày mới xong một chiếc quan tài. Xác người chết được bó vào một tấm phên bừng lồ ô (hay chiếc chiếu) mà người chết lúc còn sống thường dùng để nằm. Nếu chồng chết thì chỉ có người vợ mới được bó xác chồng và ngược lại. Nếu bố mẹ chết, thì các con, nhất là đứa con ở với bố mẹ phải bó xác. Sau khi bó xong, xác chết được khiêng ra khỏi nhà trên một chiếc giá chỉ làm bằng gỗ cây sva. Khi khiêng ra khỏi nhà, cả gia đình phải trở lại chỗ người chết cúng bái, cầu cho ma người chết không về quấy rầy nữa. Lúc đi chôn, chủ nhà phải úp cối giã gạo, lấy than bôi vào đáy cối, tránh cho ma người chết không bỏ thịt ma vào đáy cối; ăn thịt ma sẽ bị xúi quẩy, ốm đau liên miên. Huyệt mộ (xnăng kiêk) được đào nông, khoảng ngang thắt lưng là vừa. Người ta lát đá 4 mặt xung quanh và đáy của huyệt mộ. Khi hạ huyệt, lấp đất xong, trên mặt lại phủ một lớp đá rồi mới đắp lên cao thành nấm. Chiêng, ché chia cho người chết được đập thủng và để trên mặt đất. Tiếp đến người ta đánh dấu ngôi mộ bằng hai hòn đá kê ở hai đầu. Một mô hình nhà sàn nhỏ lợp bằng lá chuối được dựng lên mộ (hi chai) và người ta rào ngôi mộ lại chỉ để một cửa ra vào. Chôn cất xong, mọi người ra về. Trước khi trở về nhà người chết, mọi người phải đạp vào một cái máng đựng than hồng đặt ở ngoài hàng rào hoặc có nơi mọi người phải tắm tượng trưng. Tối đến những người đi đưa ma phải ăn cơm nếp với vừng và phải vê một hột cơm lên đầu coi như cho hồn mình ăn (mhol e tngo). Tiếp đến chủ nhà giết một con gà cúng tổ tiên (plo xơi), lấy tiết gà bôi lên lòng bàn tay của tất cả những người đã đi đưa ma. Khi ăn xong cơm nếp với vừng và thịt gà, họ mới khỏi lo hồn mình bị người chết bắt theo. Điều đặt biệt là những người trực tiếp khiêng xác chết ra huyệt phải ở lại nhà có người chết 10 ngày, nếu người nào về ngay thì theo quan niệm của người Ca Dong người đó sẽ bị đau ốm. Sau 10 ngày ở lại nhà có người chết, những người này khi về nhà mình phải giết một con gà báo tin cho thần linh và cầu mong phù hộ. Một ngày sau khi mai táng xong người chết, những người trong gia đình phải dựng chỗ thờ ma mới (nếu người chết là chủ nhà) và làm lễ mời ma cũ (những người chết trước)  ra rừng ở.

Người Ca Dong không có tục giữ mả, cũng không có tục cúng ma thường kỳ trừ ngày giỗ đầu, tức ngày đưa ma ra rừng (hinh la tap mê). Ma người chết (kiêk háo) sẽ “sống” tiếp tục bên kia thế giới, “cuộc sống đó” được người Ca Dong tưởng tượng qua những giấc chiêm bao.

Hồng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.