Multimedia Đọc Báo in

Đá gà - thú vui ngày Xuân

16:17, 22/01/2012

Đá gà (còn gọi là chọi gà) là một thú vui dân gian có từ lâu đời, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà tất cả mọi người từ miền thôn quê hẻo lánh đến thị thành sầm uất đều đam mê. Cứ mỗi độ Xuân về, ở nhiều miền quê vẫn thường tổ chức lễ hội đá gà vui Xuân để những người “mê gà” được thỏa niềm đam mê với những trận “thư hùng” của các chú gà chọi.

Thú chơi dân dã
Trong đời sống nông nghiệp ngày trước, “tháng giêng là tháng ăn chơi”, nên vào ngày Tết ở nhiều miền quê thường hay tổ chức Hội làng với những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt như đá gà, chọi chim, đánh đu, các môn thể thao dân tộc… Không biết thú chơi đá gà có từ bao giờ và ai là người đã khởi xướng trò chơi này nhưng có thể nói rằng từ xa xưa cha ông ta đã biết đưa những chú gà gần gũi với cuộc sống người dân nơi thôn dã ra thi thố để tìm sự thoải mái cho tâm hồn sau những ngày lao động nặng nhọc, giảm bớt ưu tư, phiền muộn. Thú chơi đá gà có từ ngày đó và trở thành thú chơi dân dã, tạo cảm giác gần gũi giữa con người với loài vật. Khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, con người cũng bị cuốn vào sự hối hả của công việc. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về được chiêm ngưỡng những đòn đánh uy lực ở những trận đá gà sẽ giúp con người quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật. Trong vòng vây của rất nhiều người, hai chú gà trống chọi được so sánh như hai võ sĩ đang thi đấu trên võ đài. Nếu một trong hai đối thủ tung ra những miếng đòn (nhất là những đòn đánh, đá đẹp mắt) vào yếu huyệt của nhau thì sẽ nhận được những tràng pháo tay hay những tiếng hò reo cổ vũ, động viên thích thú từ vòng người đang xem bên ngoài. Ngày xưa, tại các cuộc thi chọi gà thì thắng thua không thành vấn đề mà “vui là chính”. Trong các cuộc giao chiến, vũ khí lợi hại của gà chọi là cựa (thường dài từ 1cm đến 3cm và được vót nhọn bằng dao hoặc mảnh chai) và mỏ. Mỗi con gà chọi lại thể hiện bản lĩnh riêng, có con khi xuất trận thì ra đòn như vũ bão, có con lâm trận cả giờ, chân run rẩy nhưng vẫn lì lợm không chịu đầu hàng... Thông thường, trong một trận đá gà, hai con gà chọi nhau phải có cùng hạng cân để tránh sự chênh lệch về đẳng cấp. Mỗi hiệp chọi gà (còn gọi là hồ) được xác định khoảng 10-15 phút. Sau mỗi hồ thường có một khoảng thời gian để gà nghỉ ngơi, dưỡng sức rồi lại tiếp tục cuộc chiến cho đến khi phân thắng bại. Trong những phút nghỉ giải lao đó, gà thường được chủ xoa bóp bằng rượu pha gừng, cho uống “nước tiểu” để máu đỡ tụ... Phần thưởng mỗi chú gà sau khi đánh bại đối phương là 1 thúng thóc sạch và 1 quả trứng. Đây không chỉ là phần thưởng mang ý nghĩa về mặt vật chất dành cho kẻ chiến thắng mà còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.

Chuẩn bị cho trận chiến
Chuẩn bị cho trận chiến

Nghề nuôi gà đá cũng lắm công phu
Ngày nay, thú chơi gà chọi không chỉ là nhu cầu, niềm đam mê của người dân thành thị mà còn phát triển ở cả nông thôn. Nói về công việc huấn luyện gà đá, anh Ngô Hồng Thanh (thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), người đã có kinh nghiệm trong hơn 10 năm huấn luyện gà đá cho biết: Nuôi gà đá đã khó, uốn nắn từng miếng võ, huấn luyện gà thành “chiến binh dũng mãnh” càng khó hơn và không phải ai cũng làm được. Từ gà con để huấn luyện thành “đấu sĩ” không chỉ ngày một, ngày hai mà đòi hỏi người chơi phải có lòng đam mê, kiên trì và tốn cả tiền của nữa. Muốn có 1 con gà chọi “thiện chiến” phải công phu lắm. Đầu tiên là khâu chọn giống, phải chọn những chú gà có tính hiếu chiến, có các thế võ độc và phải lỳ đòn, dù kiệt sức cũng không bao giờ bỏ chạy khỏi sới. Sau đó là các tiêu chuẩn khác như: mắt sáng, mỏ, cựa cứng và đặc biệt là phải biết lý lịch đời gà bố, gà mẹ. Khi chọn được giống tốt, phải thường xuyên bổ sung nguồn thức ăn để gà nhanh lớn. Ngoài thức ăn chính là lúa, còn phải cho gà ăn thêm giun, dế, ngũ cốc, lòng đỏ trứng,… để tăng cường sức chiến đấu cho gà. Sáng sớm phải cho gà phơi sương, ăn cỏ, khi trời nắng ấm thì tắm và phun rượu cho gà, tối đến phải lo cho gà được ngủ yên giấc. Khi gà trưởng thành, phải thường xuyên cho gà đá thử để rèn tính dạn người, uốn nắn từng thế đá và tập cho gà quen với đời sống của “võ sĩ chuyên nghiệp”. Theo anh Thanh cũng như những người nuôi gà đá chuyên nghiệp thì để chăm sóc, huấn luyện gà đá đòi hỏi người chơi phải mất một khoảng thời gian từ 2-3 năm, tỷ mẩn giống như chăm em bé vì nếu chăm sóc không đúng cách, gà thường hay bị bệnh, sức khỏe giảm sút mà nguy hiểm hơn sẽ mất đi tính hiếu chiến (tính chất nổi bật nhất của một chú gà chọi)…

Trong khí trời ấm áp những ngày Xuân, còn gì thích thú bằng việc được chiêm ngưỡng những trận chọi gà. Hòa vào những âm thanh sôi nổi từ các hội đá gà ngày Xuân, chúng ta càng cảm nhận được những nét độc đáo từ thú chơi dân dã này.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.