Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng thể thao Việt Nam trong đại dịch

09:28, 24/01/2021

Năm 2020 cả thế giới lao đao vì đại dịch Covid-19, thể thao Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng nhờ hiệu quả của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo các giải đấu diễn ra an toàn, thành công, chất lượng chuyên môn cao.

Tạo được tiếng vang, gây ấn tượng nhất với thể thao khu vực, thế giới là bộ môn bóng đá, bởi trong khi nhiều giải chuyên nghiệp, hấp dẫn hàng đầu thế giới buộc phải tạm hoãn, hoặc diễn ra trong điều kiện không có khán giả thì các sân cỏ Việt Nam vẫn sôi động, với những trận cầu tranh tài hấp dẫn cùng các khán đài lấp đầy khán giả khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam PVF nhanh chóng thích ứng với đại dịch, nghiên cứu đề ra giải pháp, phương án thi đấu phù hợp đã giúp các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước, từ hạng Nhất quốc gia đến Vô địch quốc gia, Cúp quốc gia diễn ra suôn sẻ, cán đích an toàn. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, sự thay đổi về thể thức thi đấu, chia làm hai nhóm để tranh chức vô địch và tránh suất xuống hạng đã khiến các giải đấu trở nên hấp dẫn hơn và tạo nên những bất ngờ thú vị.

Theo nhận định của các chuyên gia thì việc các cầu thủ Việt Nam vẫn được ra sân thi đấu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp duy trì thể lực, cảm giác bóng, phong độ, tạo cơ hội cho các nhà tuyển chọn các chân sút tốt nhất nhằm chuẩn bị lực lượng cho hàng loạt giải đấu quan trọng trong năm 2021, trước mắt là chinh phục sân chơi SEA Games 31 khi Việt Nam là chủ nhà đăng cai.

Khán giả đến theo dõi các trận bóng đá của Giải hạng Nhất quốc gia trên Sân vận động Buôn Ma Thuột,  mùa giải 2020.
Khán giả đến theo dõi các trận bóng đá của Giải hạng Nhất quốc gia trên Sân vận động Buôn Ma Thuột, mùa giải 2020.

Một trong những dấu ấn nổi bật khác của thể thao Việt Nam trong năm qua là sự kiện võ sĩ quyền anh Nguyễn Văn Đương giành vé tham dự Olympic Tokyo. Tay đấm xuất thân từ Hà Nội đã xuất sắc đánh bại võ sĩ Chatchai-Decha Butdee của Thái Lan trong trận tứ kết vòng loại Olympic Tokyo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó mang về tấm vé thứ 5 dự Olympic Tokyo cho thể thao Việt Nam. Như vậy sau 32 năm, đây là lần thứ hai trong lịch sử một võ sĩ boxing Việt Nam được góp mặt tại đấu trường danh giá Olympic. Trước đó, võ sĩ Đặng Hiếu Hiền từng giành quyền tham dự và thi đấu tại Thế vận hội mùa Hè 1988 ở Seoul (Hàn Quốc). 4 tấm vé còn lại tham dự Olympic Tokyo thuộc về kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt 2 chuẩn Olympic cự ly 400 m và 1.500 m tự do), vận động viên thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng, hai cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ.

Trong khi đó dù không được cọ xát ở sân chơi quốc tế, song việc Giải vô địch điền kinh quốc gia vẫn diễn ra theo kế hoạch với chất lượng chuyên môn cao cho thấy các tay chạy của Việt Nam đang dốc sức vượt “bão” Covid-19, quyết tâm bảo vệ vị trí thứ Nhất toàn đoàn đã đoạt được tại SEA Games 30.

Các vận động viên chủ lực của đội tuyển điền kinh không những giữ được phong độ mà còn thể hiện sự tiến bộ vượt bật, cải thiện thành tích rõ ràng. Đơn cử như Lê Tú Chinh (đoàn TP. Hồ Chí Minh) xuất sắc giành 5 Huy chương Vàng (100 m, 200 m và 3 nội dung chạy tiếp sức); Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang), Huy chương Vàng cự ly 10.000 m với thành tích 34’08’’54, phá sâu kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm ở nội dung này (34’48’’28); Quách Thị Lan (Thanh Hóa) vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400 m… Bên cạnh đó đội chạy 4x400 m hỗn hợp Việt Nam hiện đang xếp hạng 17 thế giới (kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 - thứ hạng sẽ được xét dự Thế vận hội), nếu được cọ xát quốc tế, nội dung này có nhiều cơ hội được đến Tokyo.

Kiểm soát tốt  dịch bệnh Covid-19, Cúp quốc gia Futsal 2020 vẫn diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột  và thu hút đông đảo khán giả.
Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Cúp quốc gia Futsal 2020 vẫn diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột và thu hút đông đảo khán giả.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận định, so với nhiều quốc gia khác, thể thao Việt Nam được hưởng lợi từ kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành việc tổ chức hầu hết các giải đấu quốc nội. Cụ thể đã tổ chức 148 giải đấu chuyên nghiệp và không xảy ra trường hợp lây nhiễm Covid-19 liên quan đến các hoạt động thể thao. Những bài học kinh nghiệm quý báu trong năm 2020 của thể thao Việt Nam trong phòng, chống dịch như tuân thủ tốt các yêu cầu phòng, chống dịch; tùy điều kiện để đề ra giải pháp tổ chức giải đấu cụ thể như hạn chế số lượng khán giả, các đội thi đấu tập trung tại một địa điểm hoặc đổi thể thức thi đấu... sẽ tiếp tục được áp dụng năm 2021, giúp các giải đấu của thể thao Việt Nam vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, nâng cao trình độ vận động viên.

Đăng Triều (tổng hợp)

.

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.