Multimedia Đọc Báo in

Người thầy nặng lòng với học sinh nghèo

08:41, 27/12/2020

Chỉ cần thấy những học trò nghèo không phải bỏ học giữa chừng, các em được học tập, có việc làm ổn định, trở thành người công dân có ích cho xã hội, đó là niềm vui, là món quà lớn nhất với tôi”- đó là chia sẻ của thầy Phạm Văn Hậu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Năm 2002, thầy Hậu nhận công tác tại Trường THCS Lê Lợi. Năng nổ, gương mẫu, trách nhiệm với công việc, thầy luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Năm 2011, thầy Hậu được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Qua 18 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, dù ở cương vị nào thầy Hậu cũng luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện; thường xuyên giúp đỡ, kèm cặp học sinh nghèo không để các em bỏ học; thi đua dạy tốt, học tốt… góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường hằng năm đều đạt khoảng 50%; nhiều giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.

Thầy Phạm Văn Hậu tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Phạm Văn Hậu tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với tấm lòng thương yêu học sinh, thầy Hậu còn luôn gần gũi, quan tâm và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, dụng cụ học tập cho các em. Trường THCS Lê Lợi hiện có hơn 500 học sinh, trong đó trên 50% là dân tộc thiểu số. Trước đây, do đời sống khó khăn nhiều em phải bỏ học giữa chừng để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Để hạn chế tình trạng này, ngay khi bắt đầu năm học mới, thầy Hậu đã chủ động phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm nắm bắt các em có hoàn cảnh như hộ nghèo, nhà đông anh em, cha mẹ ly hôn, mồ côi cha mẹ để theo dõi trong suốt quá trình học. Nếu các em có biểu hiện thường xuyên nghỉ học hay bỏ học giữa chừng, thầy sẽ tìm hiểu và giúp đỡ.

Trong suốt những năm công tác, giúp đỡ biết bao thế hệ học trò nhưng có lẽ cô học trò nhỏ Trần Thị Hà Tiên là người mà thầy Hậu nhớ mãi. Hà Tiên bị câm điếc bẩm sinh, là con đầu trong gia đình có ba chị em, bố bị bệnh tâm thần phân liệt không còn sức lao động, nhà cũng không có ruộng rẫy, mọi sinh hoạt chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên tiểu học của mẹ. Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại, nhưng em vẫn nỗ lực vươn lên, luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ trao học bổng để em có thể tiếp tục theo học. Thầy Hậu chia sẻ: “Học sinh toàn trường rất đông, không phải em nào tôi cũng biết, nhưng em nào hoàn cảnh khó khăn tôi đều nắm rõ. Nhiều học sinh rất muốn đi học, nhưng vì gia đình nghèo quá đành phải gác lại ước mơ đến trường. Tôi và cán bộ giáo viên nhà trường đã động viên tinh thần và giúp đỡ về vật chất để các em tiếp tục được học tập".

Có thể nói, gần 20 năm đứng trên bục giảng với sự nghiệp trồng người cũng ngần ấy thời gian thầy Hậu song hành với việc giúp đỡ học sinh nghèo. Chỉ riêng 5 năm qua, thầy đã quyên góp từ các mạnh thường quân, giáo viên, học sinh nhà trường được 500 cuốn vở, 10 cặp sách, 50 áo ấm, 200 cây bút, 10 triệu đồng và 350 đôi dép quai hậu với tổng trị giá gần 60 triệu đồng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục và công tác công đoàn, những năm qua, thầy Phạm Văn Hậu đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND tỉnh tặng Bằng khen; Thành ủy, UBND TP. Buôn Ma Thuột, Liên đoàn Lao động thành phố tặng Giấy khen; nhiều năm liên tục thầy Hậu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở…

5 năm qua, thầy Hậu đã quyên góp từ các mạnh thường quân, giáo viên, học sinh nhà trường được 500 cuốn vở, 10 cặp sách, 50 áo ấm, 200 cây bút, 10 triệu đồng và 350 đôi dép quai hậu với tổng trị giá gần 60 triệu đồng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.