Multimedia Đọc Báo in

Vay vốn để xuất khẩu lao động: Trợ lực cho nỗ lực thoát nghèo ở Cư M'gar

08:22, 01/06/2021

Để tham gia được vào các thị trường lao động tiềm năng, có việc làm ổn định và thu nhập cao, người lao động sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp người lao động nắm bắt cơ hội đi xuất khẩu lao động, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, huyện Cư M’gar đã và đang tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Nông Thị Thanh (dân tộc Tày, thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) kể, năm 2019 con trai chị là Nông Văn Quang tốt nghiệp cao đẳng nghề nhưng chưa tìm được việc làm. Thông qua nhiều kênh khác nhau, gia đình hiểu về những chính sách và lợi ích khi đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng rào cản lớn nhất là chị không có đủ kinh phí cho con đi xuất khẩu lao động. Khi biết đến nguồn vốn vay xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện dành cho hộ cận nghèo, chị đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng, đồng thời vay mượn thêm của anh em họ hàng để lo cho con đi làm việc tại Nhật Bản. Hiện trung bình mỗi tháng, Quang gửi về cho gia đình trên 20 triệu đồng. Từ số tiền này, chị Thanh đã trả được nợ, cải tạo vườn cà phê để có thêm thu nhập và tích cóp để sau này con trai về nước có vốn làm ăn.

Nhờ có tiền con gửi về, chị Nông Thị Thanh (xã Quảng Hiệp) có điều kiện cải tạo vườn cà phê, nâng cao thu nhập.
Nhờ có tiền con gửi về, chị Nông Thị Thanh (xã Quảng Hiệp) có điều kiện cải tạo vườn cà phê, nâng cao thu nhập.
Nghị quyết số 14/2020/NQ- HĐND, ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh đã quy định mở rộng hơn đối tượng được vay ưu đãi. Theo đó, ngoài những đối tượng theo quy định của Chính phủ thì người lao động thuộc đối tượng chính sách khác như: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội về lại địa phương chưa quá 12 tháng; sinh viên, học sinh, học viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp… cũng sẽ được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Gia đình ông Triệu Văn Sai (dân tộc Dao, thôn Đại Thành, xã Ea M’droh) có hai con đi làm việc ở Đài Loan. Năm 2019, ông đã làm hồ sơ vay gần 170 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện dành cho hộ cận nghèo để lo cho con đi làm việc ở nước ngoài. Tham gia xuất khẩu lao động, ngoài tạo việc làm ổn định, thu nhập khá còn tạo ra nhiều thay đổi tích cực về tư duy, cách nghĩ của người lao động. Ông Sai cho biết: “Trao đổi qua điện thoại, tôi thấy từ ngày đi làm việc ở nước ngoài, các con học được nhiều cái hay của nước bạn, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn trước và có tư duy sáng tạo, biết tính toán trong làm ăn. Từ số tiền mỗi tháng hai con gửi về hơn 40 triệu đồng, tôi trả dần số nợ vay của ngân hàng, đồng thời, tích lũy để sau khi về nước, các con dự định sẽ mua thêm đất, lập nghiệp bằng làm nông nghiệp hữu cơ, xây dựng cuộc sống ổn định”.

Trên thực tế, trước đây người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện rất e ngại đi xuất khẩu lao động, mà rào cản lớn nhất là không có vốn để trang trải chi phí ban đầu. Trong 5 năm trở lại đây, với những chính sách hỗ trợ thiết thực của ngành chức năng, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã làm thay đổi suy nghĩ, mang lại nhiều khởi sắc cho cuộc sống của người dân.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M'gar, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã có 357 người đi xuất khẩu lao động, tăng 309 người so với giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ số tiền của người thân đi làm việc ở nước ngoài gửi về, nhiều hộ đã xây được nhà cửa, gây dựng kinh tế, đời sống nâng lên thấy rõ. Ông  Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, xuất khẩu lao động đã giúp một số gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, số hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 4.069 hộ giảm xuống còn 1.418 hộ, bình quân giảm 1,45%/năm.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar hướng dẫn ông Triệu Văn Sai (bìa phải) thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar hướng dẫn ông Triệu Văn Sai (bìa phải) thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động.

Theo ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar, đến nay đơn vị đã triển khai cho 36 hộ vay vốn để xuất khẩu lao động, với dư nợ trên 1,5 tỷ đồng. Lao động vay vốn chủ yếu đang làm việc tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Những năm gần đây, tỷ lệ người dân có nhu cầu vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, để tín dụng thực sự trở thành trợ lực giúp người lao động tận dụng cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục đồng hành, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến thông tin mới về nguồn vốn vay xuất khẩu lao động để người dân được biết và tham gia.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.