Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nữ "phu mía"

08:58, 04/04/2021

Những ngày này, đi dọc theo các tuyến đường quốc lộ, hay rẽ qua các tuyến đường liên thôn, liên xã ở huyện M'Drắk, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nữ "phu mía" đang hối hả chặt mía, gom mía trên những cánh đồng.

Trên cánh đồng mía thôn 5 (xã Krông Á), giữa trời nắng như thiêu đốt lúc 11 giờ trưa, bà Lâm Thị Rồng (ở thôn 4, xã Krông Á) cùng nhiều người làm thuê khác vẫn bịt kín mặt, hối hả chặt và gom những bó mía cuối cùng trước khi nghỉ trưa. Chồng mất sớm vì mắc bệnh hiểm nghèo, gánh nặng kinh tế gia đình và lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học do một mình bà Rồng gánh vác. Ít đất canh tác, lại không có vốn nên cứ đến mùa thu hoạch mía, bà lại đi chặt mía thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Bà Rồng tâm sự: “Phụ nữ làm cái nghề này cực lắm, nhiều khi thở không ra hơi. Người mới làm chưa quen thường bị say nắng, có người bị choáng”.

Bà Lâm Thị Rồng chặt mía dưới cái nắng như đổ lửa.
Bà Lâm Thị Rồng chặt mía dưới cái nắng như đổ lửa.

Vụ thu hoạch mía bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Chu trình làm việc của người chặt mía gần như cố định. Từ 4 giờ sáng, họ phải thức dậy, vội vã nấu cơm, ăn sáng, chuẩn bị thức ăn, nước uống trong ngày. Những ngày nắng gắt, trước 6 giờ, tất cả đã có mặt trên ruộng mía và ngày làm việc bắt đầu: chặt mía, bó mía tập kết ra bãi để đợi xe vào vận chuyển. Buổi trưa, họ có khoảng 1 giờ để ăn trưa và nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục công việc đến chiều tối. Những “phu mía” thường nhận khoán theo diện tích, hoặc tính bó, mỗi bó 10 - 12 cây với giá 1.300 đồng/bó. Những chị em khỏe mạnh thì mỗi ngày chặt được hơn 200 bó; người sức khỏe yếu, hoặc chưa quen việc chỉ được hơn 100 bó.

Cả hai vợ chồng Amí La (ở buôn Hí, xã Cư Mta) đều làm “phu mía”. Vào thời gian cao điểm vụ thu hoạch mía (tầm tháng 3 - 4 trong năm), mỗi ngày Amí La có thể chặt được hơn 150 bó mía, thêm công vác mía của chồng thì hai vợ chồng cũng thu được 600.000 – 700.000 đồng/ngày. Song, để có khoản thu nhập đó, người "phu mía" phải có sức khỏe tốt, dẻo dai chịu được hàng chục giờ phơi nắng trên ruộng, rẫy, không chỉ nắng nóng mà còn bị ngứa, côn trùng cắn, chấn thương…, người yếu ớt không thể làm được.

Tổ bốc vác mía của chị Hà Thị Quỳnh làm việc tại cánh đồng mía thôn Ea Tlu, xã Krông Jing
Tổ bốc vác mía của chị Hà Thị Quỳnh làm việc tại cánh đồng mía thôn Ea Tlu, xã Krông Jing.

Cũng vì “miếng cơm manh áo”, chị Hà Thị Quỳnh (ở thôn 1, xã Ea Pil) đã gia nhập đội “phu mía” từ nhiều năm nay. Quãng thời gian 14 năm làm cái nghề suốt ngày tiếp xúc với bụi bặm, bùn đất, nắng mưa khiến chị trông già hơn so với tuổi 34 rất nhiều. Giữa cái nắng như đổ lửa, chị Quỳnh nhễ nhại mồ hôi cùng với tốp thợ trong thôn tranh thủ vác mía lên xe tại bãi mía thôn Ea Tê, xã Krông Jing. Chị cho hay: “Thời điểm này, nông dân tranh thủ chặt mía bởi nếu phơi nắng lâu, mía sẽ khô, nhẹ. Không chỉ "phu mía" chúng tôi mà các chủ xe vận tải cũng tranh thủ thời gian chạy thêm chuyến để có thêm thu nhập. Làm việc với cường độ cao hơn tuy thu nhập có tăng nhưng mệt lắm, tối về đến nhà là lăn ra ngủ. Sáng dậy xương cốt mỏi nhừ song vẫn phải đi làm để kiếm bình quân gần 400.000 - 500.000 đồng mỗi ngày”.

Huyện M’Drắk là một trong những vựa mía lớn nhất của tỉnh. Vì vậy mưu sinh từ rẫy mía, ngoài lao động địa phương, trên địa bàn huyện còn có nhiều thợ chặt mía từ nơi khác tới làm thuê. Nghề "phu mía" nhiều vất vả, song họ vẫn chọn và gắn bó, thậm chí có người gắn bó với nghề này đã mấy chục năm.

Mỹ Sự – Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.