Multimedia Đọc Báo in

Để nước mắt voi không còn chảy

12:58, 18/10/2014

Cái chết thảm của voi Buôn Nhang (xã Krông Na-Buôn Đôn) hồi cuối tháng 7 vừa qua, một lần nữa cho thấy đàn voi nhà ở đây đang bị bóc lột một cách quá sức để phục vụ cho hoạt động du lịch vốn đang bị nhiều ý kiến chỉ trích và phản đối…

Sức voi cũng... kiệt

Ai đã từng vào các khu du lịch Buôn Đôn, Lak đều nhận thấy đời sống của đàn voi nhà hiện tại hoàn toàn khác xưa, nó chỉ được sử dụng vào mục đích kiếm tiền thông qua hoạt động du lịch được mở ra tại các địa phương. Tại những điểm du lịch này, sản phẩm cưỡi voi dạo chơi trong những cánh rừng, lội sông, vượt suối đang hấp dẫn du khách mọi nơi. Tuy nhiên sự khai thác quá mức, thiếu chăm sóc đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của voi.

Bình quân voi ở các khu du lịch Buôn Đôn, Hồ Lak đưa đón du khách từ 26-34 lượt/tuần, khiến sức khỏe của voi suy giảm.
Bình quân voi ở các khu du lịch Buôn Đôn, Hồ Lak đưa đón du khách từ 26-34 lượt/tuần, khiến sức khỏe của voi suy giảm.

Ông Y Glư Bk’rông tâm sự rằng: Con voi Buôn Nhang gục xuống cũng vì  bị khai thác quá sức chịu đựng. Ban đêm phải đi kéo gỗ thuê, tất nhiên là gỗ lậu, còn ban ngày thì chở khách từ 26-34 lượt/ tuần. Voi làm việc cật lực như vậy, thử hỏi lấy sức đâu mà trụ nổi! Còn ở Khu Du lịch hồ Lak, gần ba năm trước con voi của nhà Y Tên cũng chết sau những tháng ngày miệt mài cõng khách để kiếm tiền. Cộng đồng người M’nông ở buôn M’liêng đến giờ vẫn không thôi bàn tán - nó chết là do anh em nhà Y Tên đó thôi. Gia tài ông bà để lại cho ba anh em nhà Y Tên lớn nhất là con voi, thay vì phải chăm sóc tận tình và tử tế, thì họ chia nhau khai thác, sử dụng voi quá sức. Mỗi người được sở hữu voi hai ngày (theo thỏa thuận) và cứ thế mỗi tuần sáu ngày, ba anh em nhà Y Tên tranh thủ đem voi vào khu du lịch chở khách kiếm tiền từ sáng đến tối. Đến khi nó nằm xuống thì đã muộn! Voi chết, sinh kế không còn, những chủ voi này có lúc biện minh: “Do nó già quá rồi mà, không sống thêm được nữa…”. Nghe vậy, ông già Y Thên Byă (ở buôn Trí B, xã Krông Na-Buôn Đôn) có lần nổi cáu: “Voi mới hơn 40 tuổi mà già à! Lũ làng bây giờ đi voi như đi xe máy, đụng việc gì cũng voi - kéo gỗ, chở khách, lễ hội… đều đem sức voi ra để kiếm tiền, voi không chết sớm mới lạ đấy!”. Cũng từ nguyên cớ ấy mà con voi Pạc Ngui của già đã vĩnh viễn không còn từ cuối tháng 3-2011. Và theo như già Y Thên chia sẻ thì đây là con voi đầu tiên trên xứ sở voi này chết vì lao lực, hay nói đúng hơn là phải trả giá cho nhận thức, hành vi sử dụng, khai thác voi một cách vô tội vạ của chủ voi.

Voi Păk Kú chết vì kiệt sức và bị kẻ gian chém nhiều nhát tại Buôn Đôn vào cuối năm 2011.
Voi Păk Kú chết vì kiệt sức và bị kẻ gian chém nhiều nhát tại Buôn Đôn vào cuối năm 2011.

Còn nhớ, ngày voi Pạc Ngui nằm xuống, già Y Thên không quên làm lễ khóc voi theo luật tục. Cử chỉ đó của già, những tưởng cả cộng đồng người M’nông, Êđê ở đây tỉnh ra, thương và đối xử với voi như ông bà đã dạy: “Phải xem voi như một thành viên trong cộng đồng. Cho voi nghỉ ngơi trong rừng từ lúc ông mặt trời xuống núi ở phía Tây và thức dậy ở phía Đông. Những khi nước mắt voi chảy xuống, là khi có biểu hiện của bệnh tật thì phải để voi trong rừng cả tháng, thậm chí cả năm để nó tự tìm lá cây rừng để chữa bệnh”. Vậy mà… không ai nghe mình cả, voi cứ được đánh đi kiếm tiền cả ngày lẫn đêm, bất cần luật tục - già Y Thên than thở.

Kết cục, số voi nhà bị chết do kiệt sức cũng như nhiều nguyên nhân khác mà  Chi cục Kiểm lâm Dak Lak đưa ra từ năm 2009 đến nay là 11 con. Đây quả là con số đáng báo động, vì theo số liệu điều tra, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy đàn voi nhà ở đây chỉ còn 49 con. Con số này trong giai đoạn 1975-1978 là trên 250, sau đó từ năm 1979-1985 tụt xuống dưới 200 con. Nguyên nhân một phần là vì không được bổ sung từ đàn voi rừng hằng năm do Nhà nước nghiêm cấm săn bắt loài động vật này từ những năm 1997; thêm vào đó là công tác quản lý, giám sát không tốt, thậm chí còn buông lỏng nên để xảy ra nạn mua bán voi bất hợp pháp tồn tại trong từng gia đình và cả cộng động sở hữu đàn voi, rồi nạn giết trộm voi để lấy ngà… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tình trạng khai thác voi một cách vô tội vạ của chủ voi lẫn người sử dụng voi. Điều đó dễ thấy nhất là trong hoạt động du lịch có sản phẩm voi hiện nay của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Theo đánh giá của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý- Trường Đại học Tây Nguyên, thành viên Ban nghiên cứu Dự án Bảo tồn đàn voi nhà Dak Lak - rằng voi được sử dụng, khai thác trong lĩnh vực này từ lâu đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm cũng như tình cảm, nhận thức về văn hóa voi của chính chủ nhân nó. Với phương thức ăn chia 5-5, có nơi 4-6 cho một lượt voi chở khách, chủ voi và đơn vị sử dụng voi cứ thế bỏ tiền vào túi, mà chẳng ai mảy may quan tâm đến đời sống với những nhu cầu tối thiểu của voi là gì (?)

Thay đổi ứng xử với voi

Không chỉ bị khai thác quá sức trong hoạt động du lịch cũng như trong các công việc khác, voi ở đây còn bị xâm hại ngày càng trầm trọng vì nhiều động cơ, mục đích khác của con người. Vặt lông đuôi voi, thậm chí chặt luôn cả phần đuôi để mua bán đang là vấn nạn nhức nhối xảy ra từ nhiều năm qua. Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak, trong số 49 con voi hiện còn, không con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông ở đuôi hầu hết không còn nguyên vẹn. Trong số đó, nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể.

Có thể nói, đã đến lúc cần phải thay đổi nhận thức và ứng xử với đàn voi nhà hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng các cấp có thẩm quyền nên có cơ chế quản lý, giám sát khắt khe hơn trong việc khai thác và sử dụng voi, nhất là trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các vùng có voi sinh tồn cho cả chủ sở hữu voi lẫn đơn vị có nhu cầu sử dụng voi. Cùng với việc hạn chế tần suất sử dụng, khai thác sức voi, các cơ quan chức năng, người có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, đơn vị có hoạt động liên quan đến voi nên có thái độ tôn trọng luật tục về nuôi dưỡng voi của cộng đồng đã đúc kết trước khi  Dự án Bảo tồn đàn voi nhà Dak Lak được thực thi. Bởi theo ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi thì nói cho cùng voi là sở hữu của từng gia đình, dòng họ. Họ phải bảo vệ chúng trước khi nhận được sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước là điều đương nhiên. Cứ ngồi chờ dự án triển khai thì câu chuyện voi bị mất mát, xâm hại sẽ khó tránh khỏi. Ông Luân lưu ý thêm, bên cạnh công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức về việc bảo tồn đàn voi, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của chủ sở hữu voi với những người thực thi dự án trên, thì UBND tỉnh, các cấp ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa vấn đề chính sách tài chính để sớm hiện thực hóa các hạng mục, hợp phần có trong dự án như khoanh vùng rừng (sinh cảnh) cho voi, xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe-cứu hộ voi và nhiều hoạt động khác… để chặn đứng nguy cơ suy giảm đàn voi nhà đang diễn ra đáng lo ngại như hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.