Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

09:47, 04/05/2021

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực triển khai. Qua đó đã góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Ưu tiên nguồn lực

Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, các địa phương cũng đã xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện.

Huyện Krông Pắc là một trong những địa phương được đánh giá triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ngân sách Trung ương phân bổ trên 26,4 tỷ đồng, UBND tỉnh và huyện Krông Pắc đã bố trí hơn 5,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn và triển khai mô hình tạo sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ngoài ra, UBND huyện còn huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng 400 nhà vệ sinh cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 1,63 tỷ đồng; Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ xây dựng 1.137 căn nhà 167 (giai đoạn 2) cho hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết: Việc đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và cải thiện dần mức sống của hộ nghèo.

Gia đình anh Y Như Ayun (giữa) ở buôn Ea Su (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) được hỗ trợ xây nhà 167, vay vốn  phát triển chăn nuôi, trồng trọt đã vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Y Như Ayun (giữa) ở buôn Ea Su (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) được hỗ trợ xây nhà 167, vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt đã vươn lên thoát nghèo.

Xác định nguồn lực là yếu tố quyết định thành công của Chương trình giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh trên 769 tỷ đồng, UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí trên 85,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp cho công tác này. Các địa phương trong tỉnh cũng đã huy động đóng góp từ người dân để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên 36,9 tỷ đồng.

 

Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đã thể hiện đúng vai trò định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

 

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cho vay thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng doanh số cho vay đạt 6.985,4 tỷ đồng. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án khác có chung mục tiêu, địa bàn đầu tư nhằm phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình giảm nghèo đề ra. Chẳng hạn như: Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2017 - 2020, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo... với tổng kinh phí hơn 1.389,1 tỷ đồng.

Kết quả đáng ghi nhận

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân bổ nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình giảm nghèo. Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng 1.486 công trình; thực hiện 685 dự án phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho trên 13.700 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin; thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế… HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã thực hiện tốt vai trò giám sát kết quả thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,91% (giảm 11,46% so với năm 2015). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 17,4%; tỷ lệ hộ nghèo các thôn, buôn đặc biệt khó khăn giảm còn 27,67%. Toàn tỉnh có 91/152 xã (chiếm 59,87%), đạt tiêu chí nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo.

Đường giao thông xã vùng III Cư Bông (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh.
Đường giao thông xã vùng III Cư Bông (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh.

Cơ sở hạ tầng các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn ngày càng được cải thiện: 82,1% số thôn, buôn đã có trục đường giao thông được cứng hóa bảo đảm tiêu chuẩn; các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng 75% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có hệ thống trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh đánh giá: Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện bảo đảm, có hiệu quả. Qua đó, góp phần thay đổi đáng kể về hạ tầng thiết yếu, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng. Đời sống của người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.