Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

08:06, 27/04/2021

Thông qua việc ủy thác vốn vay với các đoàn thể chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cư M’gar đã đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn, qua đó kịp thời giúp họ có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, Ngân hàng CSXH huyện Cư M’gar đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi cho hơn 11.200 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 353 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay gần 32 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2020. Trong đó, một số chương trình cho vay đạt tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu vào đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo và hộ sản xuất, kinh doanh. Với mạng lưới 299 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, ngân hàng đã kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách nhanh chóng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 4,97%, giảm 4,36% so với năm 2019.

Chị Lý Thị Ngọc Nhi (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) chăm sóc đàn dê của gia đình.
Chị Lý Thị Ngọc Nhi (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) chăm sóc đàn dê của gia đình.

Theo ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cư M’gar, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tương đối lớn. Để kịp thời hỗ trợ người dân, đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân bổ vốn, đôn đốc thu nợ; thông qua các tổ chức ủy thác vay vốn của các hội, đoàn thể để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ở địa phương, khách hàng vay vốn chủ yếu cho mục đích cải tạo vườn cà phê, tiêu, trồng mới một số loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực tế cho thấy, chỉ sau từ 2 - 3 năm được hỗ trợ vay vốn làm ăn, nhiều hộ đã thoát nghèo, tạo đà vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Đơn cử như gia đình chị Lý Thị Ngọc Nhi, dân tộc Tày (ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) trước đây thuộc diện hộ nghèo; năm 2015, chị Nhi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư cải tạo vườn hồ tiêu. Có vốn, chị tập trung đầu tư chăm sóc vườn cây bài bản nên cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Với thu nhập từ vườn tiêu, chị Nhi đầu tư chuồng trại nuôi dê. Cuối năm 2020, sau khi trả hết nợ cũ, chị Nhi vay tiếp 70 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để mở rộng quy mô sản xuất. 

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách huyện Cư M’gar hướng dẫn thủ tục cho vay đối với hộ chị Lý Thị Ngọc Nhi (bìa phải) ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách huyện Cư M’gar hướng dẫn thủ tục cho vay đối với hộ chị Lý Thị Ngọc Nhi (bìa phải) ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp.

Tương tự, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Y Sung Ayun (ở buôn Tah B, xã Ea Drơng) đã thoát được cảnh nghèo. Năm 2013, khi mới cưới, vợ chồng anh Y Sung chỉ có 3 sào cà phê già cỗi. Anh Y Sung mạnh dạn vay 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo để đầu tư cải tạo vườn cà phê. Nhờ chăm chỉ làm lụng, năm 2017 anh trả hết nợ và vay tiếp 30 triệu đồng mua thêm đất, cây giống mở rộng sản xuất. Cuối năm 2020, gia đình anh Y Sung đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Quyết tâm vươn lên làm giàu, mới đây tranh thủ nguồn vốn vay 50 triệu đồng hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo, anh Y Sung đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, trồng cây ăn trái và nuôi heo, gà. Anh Y Sung chia sẻ, việc ngân hàng cho vay bổ sung nguồn vốn trong thời điểm gặp nhiều khó khăn đã giúp gia đình anh có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động chăn nuôi phù hợp. Hiện giờ, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định, không lo tái nghèo.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, thời gian tới Ngân hàng CSXH huyện Cư M’gar tiếp tục tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã, thị trấn để không còn nợ xấu, nợ quá hạn. Đồng thời, phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tại các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay của các đối tượng thụ hưởng; tập trung rà soát đối tượng vay nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, góp phần vào công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.