Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hiệu quả đến đâu? (Kỳ 2)

16:45, 05/04/2019

Kỳ 2: Nguồn vốn ít, rủi ro cao

Không thể phủ nhận vai trò của vốn tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, do nguồn vốn hạn chế, người dân gặp rủi ro trong sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích khiến nguồn vốn ưu đãi này chưa phát huy được hiệu quả.

Hạn chế về nguồn vốn

Theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hiện nay nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thống kê cho thấy, hết năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh còn đến 5.736 hộ nghèo và 14.066  hộ cận nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Krông Búk, những năm trước, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ. Còn theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị NHCSXH, ngày 22-2-2019 thì từ ngày 1-3-2019, hộ nghèo sẽ được nâng mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay NHCSXH huyện mới chỉ giải ngân cho vay bình quân được 29 triệu đồng/hộ. Nguyên nhân là do nguồn vốn bố trí về hằng năm hạn hẹp. Thời gian tới, nếu không được phân bổ vốn thêm, ngân hàng sẽ khó đáp ứng được nhu cầu thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thiện (giữa), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn thôn 7, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk thăm mô hình trồng tiêu phát triển kinh tế của hộ thành viên trong tổ.
Ông Nguyễn Văn Thiện (giữa), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn thôn 7, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk thăm mô hình trồng tiêu phát triển kinh tế của hộ thành viên trong tổ.

Ông Cường cho biết thêm: Nếu hộ vay chưa đến mức tối đa mà muốn vay thêm thì phải làm hồ sơ vay bổ sung, nhưng hai hợp đồng vay vốn cộng lại không quá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, như vậy sẽ gây phức tạp về thủ tục hồ sơ, đặc biệt là nhiều trường hợp vay vốn NHCSXH không trả mà bỏ đi nơi khác sinh sống, gây nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Tương tự, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Krông Bông Nguyễn Thị Bích Thảo trăn trở: “Hiện tại dư nợ bình quân trên hộ vay còn thấp, đối tượng thụ hưởng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn huyện còn nhiều… Đặc biệt là đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… có nhu cầu về vốn vay rất lớn".

Nhiều rủi ro trong sử dụng vốn vay

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều hộ dân phát huy được hiệu quả nguồn vốn tín dụng, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít trường hợp sử dụng nguồn vốn này không hiệu quả, thậm chí mất khả năng chi trả. Nguyên nhân là do thiên tai, dịch bệnh, trình độ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn hạn chế… dẫn đến sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, mất vốn, không còn nguồn để trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn...

Điển hình hộ nợ lãi là trường hợp của bà Phạm Thị T. ở thôn 7, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk. Trước đây, bà T. vay 30 triệu đồng tại một chi nhánh NHCSXH ở tỉnh Quảng Ngãi, đến năm 2015 bà chuyển đến xã Ea Ngai sinh sống. Hồ sơ vay vốn của của bà T. được chuyển đến Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Búk nhờ thu hồi. Tuy nhiên qua nhiều lần vận động thu hồi nợ thì đến năm 2017 gia đình bà mới trả hết nợ gốc. Do hoàn cảnh kinh tế của gia đình quá khó khăn, cây trồng thường xuyên mất mùa, giá cả nông sản lại xuống thấp nên nhiều năm nay bà T. chưa trả được đồng lãi nào. Khoản tiền lãi trên 19 triệu đồng được khoanh nợ, không tính lãi phát sinh và được ngân hàng tạo điều kiện để gia đình bà trả dần từng tháng.

Dù được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Dù được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Cũng như trường hợp nợ lãi của bà T., năm 2017, gia đình chị Lý Thị H. ở thôn 3 (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) vay 40 triệu đồng từ vốn NHCSXH theo diện hộ nghèo để đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu và đào giếng phục vụ chăm sóc 3 sào cà phê. Tuy nhiên, năm 2018, chồng đột ngột qua đời, chị H. bị bệnh tâm thần một mình nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh nghèo khó lại càng thêm túng quẫn. Mặc dù khoản vay của gia đình đến năm 2020 mới phải trả gốc nhưng với gia cảnh hiện tại thì rất khó để chị H. có thể trả được cả tiền gốc lẫn trả lãi cho ngân hàng.

Cũng theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngoài một số nguyên nhân khách quan thì tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo và đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

 

Theo thống kê của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến cuối năm 2018, nợ xấu của toàn tỉnh trên 10 tỷ đồng (chiếm 0,23%); nợ quá hạn trên 5,41 tỷ đồng (chiếm 0,12%); số nợ khoanh hơn 4,65 tỷ đồng (chiếm 0,11%), tăng 711 triệu đồng so với năm 2018. Toàn tỉnh có 5 đơn vị nợ quá hạn từ 0,1% trở lên gồm: TP. Buôn Ma Thuột 0,39%, các huyện Krông Ana 0,35%, Cư M’gar 0,14%, Ea Súp 0,21% và Krông Pắc 0,24%.


(Còn nữa)

Lê Lan - Lê Thành - Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.