Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Kmút tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

15:27, 18/12/2017

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, những năm qua, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Sau nhiều năm loay hoay với các loại cây họ đậu, ngô, bông vải nhưng chỉ đủ ăn, anh Đặng Văn Chung ở thôn Điện Biên 3 đã  tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân (HND) xã tổ chức để học hỏi kỹ thuật, cải tạo đất chuyển đổi sang trồng điều, cà phê và trồng xen 1.000 cây ca cao. Bên cạnh đó, gia đình anh còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi 20 con heo nái và hàng trăm heo thịt. Phế phẩm chăn nuôi được anh xử lý qua hệ thống biogas dùng để thắp sáng, nấu ăn và ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng nên tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đầu tư. Đến nay với 2 ha cà phê, 3 ha điều trồng xen ca cao, 3,5 sào lúa 2 vụ cộng với chăn nuôi heo và kinh doanh nông sản, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Nông dân  xã Ea Kmút áp dụng  cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.
Nông dân xã Ea Kmút áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở thôn 12 chỉ chăn nuôi heo với quy mô nhỏ, theo kinh nghiệm truyền thống. Năm 2014, sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn xây dựng trang trại rộng 400 m2 để chăn nuôi 32 heo nái, 250 heo thịt theo quy mô khép kín, có hệ thống biogas, hầm lọc, máng ăn, uống tự động.

Từ chỗ chỉ độc canh cây cà phê, năm 2015, gia đình anh Nguyễn Văn Hợp ở thôn 12 đã phá bỏ những diện tích cà phê già cỗi để trồng tiêu. Đồng thời, vợ chồng anh đã chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang nuôi gà đẻ trứng với quy mô từ 1.500 con lên 3.000 con, tận dụng phế phẩm chăn nuôi ủ phân vi sinh bón cho cây trồng. Nhờ vậy, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Kmút (bìa phải) tham quan mô hình trồng tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp.
Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Kmút (bìa phải) tham quan mô hình trồng tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn xã Ea Kmút. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đảng bộ xã đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế; vận động, khuyến khích cán bộ, đảng viên của 24 chi bộ tích cực gương mẫu, đi đầu trong việc đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng xây dựng nhiều mô hình điểm như nuôi gà đẻ trứng, trồng bơ boot, cà phê xen tiêu, trang trại bò, heo, gà cho nông dân học tập, nhân rộng; phối hợp với các ngành chức năng và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý.

Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, nông dân xã Ea Kmút đã chuyển đổi trên 350 ha cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng bơ, rau xanh, tiêu, trồng cỏ nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh trồng trọt, xã đã phát triển mạnh ngành chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 218.500 con. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Như Anh đánh giá: Việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã ước đạt 385 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2012; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,4%. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.