Multimedia Đọc Báo in

Trồng gừng liên kết: Nông dân nếm vị "cay"

08:29, 08/12/2017

Kỳ 2: Nông dân có nguy cơ trắng tay? (*)

Những bao gừng của các nông hộ được trồng cẩn thận, đúng quy trình hướng dẫn của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam (XKNSS) bỗng nhiên vàng lá, chết sau 2, 3 tháng… Nông dân căn cứ vào hợp đồng để “bắt đền” doanh nghiệp, doanh nghiệp lại đổ lỗi thời tiết để thoái thác.

Nông dân ra sức cứu gừng

Căn cứ các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết giữa các nông hộ và Công ty XKNSS, ngay khi gừng có dấu hiệu chết người dân đã liên lạc với công ty để cứu vườn gừng. Thời gian đầu công ty đã cử kỹ thuật xem qua, cung cấp ít giống để dặm lại số đã chết, thuốc để phun… Nhưng sau đó, họ “mất hút” luôn, bỏ mặc các nông hộ tự “bơi” trong vườn gừng chết dần chết mòn.

Ngoài ra, bản hợp đồng thể hiện cam kết trồng gừng sạch nên nông dân phải thực hiện đúng quy trình, sử dụng đúng giống, phân bón, thuốc trừ sâu do công ty cung cấp. Thế nhưng nhiều hộ buộc phải làm sai hợp đồng vì không thể chờ sự “ứng cứu” từ phía Công ty XKNSS khi gừng bị chết.

Thạc sĩ  Đào Thị  Lan Hoa (Viện  Khoa học  Kỹ thuật Nông lâm nghiệp  Tây Nguyên) xuống vườn cùng  nông dân tìm hiểu nguyên nhân  gừng chết.
Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) xuống vườn cùng nông dân tìm hiểu nguyên nhân gừng chết.

Điển hình như vườn gừng 10.000 bao của gia đình ông Nguyễn Văn Thuận (đường Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột). Khi gừng nhà ông Thuận có dấu hiệu bị bệnh, Công ty XKNSS có hỗ trợ cấp 3 lần thuốc trừ sâu để phun nhưng gừng vẫn chết nên họ đã bỏ mặc luôn. Tiếc của, ông Thuận đã phun thêm hai lần thuốc nữa với hy vọng có thể cứu và thu lại phần nào số tiền 100 triệu đồng đã đầu tư. Còn gia đình Lương Văn Ánh (xã Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) đã cứu được 60% vườn gừng bị bệnh theo cách riêng và sử dụng quy trình canh tác khác với công ty.

Nhiều hộ dân khác không còn khả năng tài chính hoặc không dám tự ý dùng thuốc chữa cho gừng bị bệnh, thì đành phải để cỏ mọc và chờ đến khi hợp đồng kết thúc mới có hướng giải quyết cụ thể.

Doanh nghiệp “phủi tay”!

Lần theo địa chỉ trên hợp đồng, chúng tôi đến trụ sở làm việc của Công ty XKNSS chỉ thấy cửa đóng, then cài, biển hiệu đã bị gỡ xuống. Liên lạc với Tổng Giám đốc công ty, ông Lê Văn Lưỡng theo số điện thoại 0868.646.xxx thì được trả lời, hiện nay ông đang ở Bến Tre nên không thể gặp nhưng ông cho rằng gừng bị tình trạng trên là do: “Nông dân không để bầu trên luống, bao gừng bị thấp nên dẫn đến tình trạng bị úng nước và bị nấm, đồng thời, do bà con xử lý đất không kỹ. Lỗi này là do ông trời vì năm nay mưa quá nhiều!”. Ông cũng cho biết hướng xử lý sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng: “Trong trường hợp gặp rủi ro thiên tai hoặc các sự cố bất khả kháng, diện tích gừng bị mất hết thì mỗi bên sẽ chịu thiệt hại một nửa phần đầu tư của mình”. Như vậy nghĩa là hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh sẽ có nguy cơ mất trắng số tiền và công sức đã đầu tư vào gừng khi liên kết với Công ty XKNSS?

Ngoài ký hợp đồng liên kết trồng gừng bao tiêu sản phẩm với các hộ nông dân ở Đắk Lắk, Công ty XKNSS còn ký với các nông hộ ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Ninh Thuận... Gừng của các hộ nông dân ở những tỉnh này cũng gặp tình trạng bị chết tương tự như ở tỉnh ta.

Với những hộ cứu được gừng như ông Ánh, ông Thuận còn đặt ra câu hỏi: “Đến nay, đã là thời điểm thu hoạch gừng thì ai sẽ thu mua cho chúng tôi, khi mà trụ sở công ty đóng cửa và gọi điện thoại cũng không trả lời. Nếu bán ra ngoài thì sẽ sai phạm hợp đồng còn để gừng đó thì không biết giải quyết như thế nào”. Gia đình anh Đèo Minh Vũ (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cũng không khá hơn, dù được đại diện Công ty XKNSS hứa sẽ thu mua gừng non, nhưng từ đó đến giờ công ty vẫn “bặt vô âm tín”.

Những hộ nông dân liên kết trồng gừng với Công ty XKNSS trước văn phòng công ty đã đóng cửa, biển hiệu đã gỡ xuống.
Những hộ nông dân liên kết trồng gừng với Công ty XKNSS trước văn phòng công ty đã đóng cửa, biển hiệu đã gỡ xuống.

Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), người đã đào tạo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây gừng sạch xuất khẩu cho Công ty XKNSS cho hay: “Gừng bị chết nhiều như vậy có thể do giống, do quá trình xử lý đất khi canh tác và thiên tai. Nguyên nhân cụ thể cần làm các xét nghiệm trên gừng để biết chính xác”. Vậy, ai sẽ đứng ra làm xét nghiệm gừng để biết nguyên nhân? Công sức, tiền bạc của người nông dân đang bị “chôn vùi” vào những cây gừng đang chết dần sẽ giải quyết như thế nào? Thiết nghĩ Công ty XKNSS phải có câu trả lời cho thỏa đáng, không thể đổ lỗi cho ông trời và “bỏ mặc” nông dân như hiện nay.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.