Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp công nghệ cao - một thoáng nhìn từ Nhật Bản

09:44, 22/11/2017

Theo Chương trình Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (còn gọi là Nông nghiệp hữu cơ) hợp tác giữa Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk với Hiệp hội Đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản (NPOTIA), tháng 6-2011, tôi được tham gia chuyến tham quan, tìm hiểu một số mô hình về nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản ở tất cả các công đoạn: Sản xuất - chế biến - bảo quản - đóng gói bao bì - tiêu thụ sản phẩm.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã đến tham quan một số cơ sở như: các gia đình nông dân, hợp tác xã chuyên canh cây cam ở vùng đồi núi dốc, một tổ chức sản xuất về tiêu thụ nông sản, một cánh đồng lúa nước với kỹ thuật canh tác tiên tiến… Qua chuyến tham quan, chúng tôi nhận thấy rằng: Sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản có trình độ tiên tiến, được cơ giới hóa cao độ (lao động thủ công chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng công việc, như: thu hái những quả chín rải rác trên cây hay thu dọn một số phụ phẩm vương vãi trên đồng ruộng). Nhờ tất cả các khâu, các động tác trong sản xuất đều do máy móc thực hiện nên năng suất lao động rất cao, mỗi người có thể làm 5-7 ha.

Ông Katayama Motoosa, Công ty Liên kết nông dân hướng dẫn công nhân cách  chăm sóc cây ớt Nhật theo phương pháp hữu cơ.    Ảnh: H. Gia
Ông Katayama Motoosa, Công ty Liên kết nông dân hướng dẫn công nhân cách chăm sóc cây ớt Nhật theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: H. Gia

Một điểm đáng chú ý là: hầu như toàn bộ nền nông nghiệp của Nhật là ứng dụng công nghệ hữu cơ, tiên tiến nên sản phẩm “sạch” là đương nhiên. Khắp thành thị, nông thôn, từ mớ rau, con cá, củ khoai đều có bao bì, ghi rõ nơi sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả và được bán ở các siêu thị hoặc cửa hàng có biển hiệu và địa chỉ rõ ràng.

Người Nhật rất chú trọng vấn đề tiêu thụ sản phẩm (thị trường), coi đó là yếu tố đầu tiên của nền kinh tế hàng hóa. Và muốn có thị trường, muốn tiêu thụ được thì sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đặc biệt là phải “sạch”. Có lẽ vì yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng như vậy buộc người sản xuất nông nghiệp nhất thiết phải sử dụng công nghệ hữu cơ, nếu không hàng hóa làm ra không ai mua thì không thể tồn tại.

Việc tổ chức sản xuất được người Nhật “xã hội hóa” cao độ. Ở đâu cũng có hợp tác xã (có nơi gọi là nông trang) gắn chặt chẽ giữa sản xuất – chế biến – bảo quản – tiêu thụ. Đặc biệt, có nhiều tổ chức là “liên minh” chặt chẽ giữa nông dân với người làm dịch vụ cung ứng, tiêu thụ và với khách hàng. Những người thuộc hệ thống tổ chức này đều có nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm với nhau; có sự hạch toán, điều tiết để người sản xuất được hưởng 70% theo giá bán lẻ, còn khách hàng thì được mua sản phẩm “sạch”, bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định. Chẳng hạn như, “Câu lạc bộ đời sống” (Seikatsu Club) nơi chúng tôi đến tham quan, có quy mô 350.000 hộ gia đình với hơn 1 triệu người (gồm nhiều chi nhánh trên toàn quốc) gồm người sản xuất, dịch vụ và khách hàng, quan hệ chặt chẽ với nhau mà mục tiêu là chăm lo đời sống cho tất cả mọi người trong tổ chức của mình.

Rõ ràng, từ cách làm của người Nhật, để có một nền nông nghiệp “sạch” (hữu cơ) thì phải thay đổi ý thức, tập quán và thị hiếu tiêu dùng của mọi người (có thể nói là toàn xã hội). Trong điều kiện sản xuất hàng hóa (không còn là tự cấp, tự túc) và chuyên canh như ở Nhật thì mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau nên “mỗi người vì mọi người” là phương châm sống của họ. Điều vô cùng quan trọng là, người dân nhận thức được rằng khi mua sản phẩm “sạch”, dù giá có cao nhưng bảo đảm được sức khỏe, giảm  bệnh tật không những cho thế hệ hôm nay mà cả tương lai con cháu mai sau. Người Nhật hiểu rất rõ rằng: bỏ thêm một ít tiền để mua sản phẩm “sạch” thì lại giảm được nhiều chi phí cho việc chữa bệnh, như thế là vẫn “lãi”. Hơn nữa, với nền sản xuất như vậy, tất cả sản phẩm đều là “sạch” nên không có cái “không sạch” để so sánh, lựa chọn về giá cả nữa.

Nguyễn An Vinh

(Nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT tỉnh Đắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.