Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hồ tiêu bền vững: Nhìn từ huyện Cư Kuin

09:21, 28/07/2017

Trong khi nông dân ở nhiều địa phương như Ea H’leo, Ea Kar, M’Đrắk điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt thì ở huyện Cư Kuin, tình trạng này xảy ra rất ít. Vậy đâu là “bí quyết” của người dân trồng tiêu nơi đây?

Thay đổi cách làm

Trong những năm giá hồ tiêu ổn định và ở mức cao, người dân Đắk Lắk đã ồ ạt trồng hồ tiêu bất chấp mọi khuyến cáo và huyện Cư Kuin cũng không nằm ngoài xu thế đó. Điều này khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện tăng chóng mặt, vượt quá diện tích quy hoạch, từ gần 2.300 ha (năm 2014) tăng lên gần 4.000 ha (năm 2016), trong khi định hướng quy hoạch đến năm 2020 chỉ ổn định từ 2.500 – 3.000 ha. Hiện diện tích hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh gần 2.400 ha, năng suất bình quân đạt trên 3,5 tấn/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 9.000 tấn. Việc diện tích hồ tiêu tăng nhanh không những gây áp lực lớn về nguồn nước tưới mà còn làm gia tăng nguy cơ sâu bệnh hại phát triển. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lí của người dân cũng làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin.

Cán bộ khuyến nông đang kiểm tra mô hình trồng tiêu an toàn.
Cán bộ khuyến nông đang kiểm tra mô hình trồng tiêu an toàn.

Để thay đổi cách thức canh tác cho nông dân hướng tới sản xuất hồ tiêu an toàn, ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xây dựng một số mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững để người dân tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm. Anh Phạm Văn Thuận (thôn 7, xã Ea Bhôk) cho biết, gia đình có 1,5 ha tiêu trong thời kỳ kinh doanh, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha. Vườn tiêu nhà anh được Trạm Khuyến nông lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất tiêu bền vững. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được anh ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ sinh học, 90% diện tích tiêu được trồng trên trụ sống... Nhờ đó, vườn tiêu phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh, năng suất ổn định và sản phẩm rất an toàn (không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...). Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, những năm gần đây, trình độ canh tác hồ tiêu của nông dân trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, nhất là kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng đã đem lại kết quả khá tích cực. Rõ ràng nhất là trong năm 2017, mặc dù mưa kéo dài, các địa phương khác tiêu chết hàng loạt vì ngập úng và nấm bệnh, nhưng trên địa bàn huyện Cư Kuin chỉ có 5 ha bị ảnh hưởng. Đây là tín hiệu đáng mừng, phù hợp với lộ trình duy trì và phát triển thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin.

Phát triển thương hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin”

Phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết, hồ tiêu Cư Kuin đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) chấp nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” tại Quyết định số 6442/QĐ-SHTT ngày 10-10-2016. Để phát triển thương hiệu, trước mắt, huyện sẽ làm việc với các công ty cà phê trên địa bàn để thực hiện liên kết “4 nhà”, đồng thời xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng công nghệ mới… nhằm tạo ra sản phẩm tiêu an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các thị trường nước ngoài. Đối với các hộ dân trồng tiêu, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu theo đúng quy trình; xây dựng các mô hình trình diễn về kỹ thuật chăm sóc tiêu bền vững tiến tới hình thành vùng sản xuất tiêu chất lượng cao...  Hiện Trạm Khuyến nông đã xây dựng xong Đề án thành lập câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững, dự kiến thành lập 2 câu lạc bộ tại xã Ea Bhôk và xã Ea Hu. Đây sẽ là nơi để người trồng tiêu tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời là hạt nhân trong việc áp dụng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương.

Cán bộ khuyến nông huyện trao đổi với anh Phạm Văn Thuận về tình hình vườn tiêu của gia đình.
Cán bộ khuyến nông huyện trao đổi với anh Phạm Văn Thuận về tình hình vườn tiêu của gia đình.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, việc giữ gìn và phát triển thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin còn rất nhiều việc cần làm, trước hết là quản lý tốt về mặt quy hoạch, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi; đầu tư trang thiết bị chế biến hiện đại, cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, hiện nay lo lắng lớn nhất của ngành Nông nghiệp huyện là giá tiêu xuống rất thấp, nông dân đang có dấu hiệu sao nhãng đối với cây tiêu, điều này sẽ gây khó khăn cho lộ trình phát triển thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin, do đó, huyện cần phải có chính sách phát triển phù hợp.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.