Multimedia Đọc Báo in

Ngân vang nhịp chiêng buôn Kram

07:05, 05/03/2016
Cứ vào mỗi lúc chiều tà, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, tại nhà nghệ nhân Y Gõ Niê, Đội trưởng đội chiêng buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) lại vang lên rộn rã tiếng chiêng tre gõ nhịp. Khoảng hơn 10 em học sinh lớp 3 – 5 của Trường Tiểu học Kpă Klơng chia thành từng đội một tập đánh chiêng mê say.

Tình tinh tang, tinh tinh tang, tinh tinh tang, tinh tang tinh tang... Những âm thanh trầm, bổng của bộ chiêng tre gồm 7 chiếc hòa nhịp, đan xen nhau, tạo nên chùm giai điệu tiếp nối; những gương mặt trẻ thơ, “da nâu, mắt sáng” và nụ cười tươi tắn trên môi, tập đánh chiêng vì niềm yêu thích như càng khẳng định sự thành công của những nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở vùng đất này.

 Nghệ nhân Y Gõ Niê truyền dạy các bài chiêng cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Y Gõ Niê truyền dạy các bài chiêng cho lớp trẻ.

- Học đánh chiêng dễ lắm, không khó đâu, lại vui nữa.

- Phải tập nhiều thì đánh mới khớp nhau, mới nhuần nhuyễn, mới hay được – thầy dạy đánh chiêng dặn thế.

- Bọn em biết đánh chưa nhiều, nên muốn học nhiều nữa. Bây giờ bọn em đang tập bài Chiriria.

- Nhiều bạn trong buôn cũng muốn học đánh chiêng lắm, thấy bọn em tập cũng hay đến xem rồi tham gia tập luôn...

Mạnh dạn có, rụt rè cũng có, nhưng những lời trò chuyện của các em Y Thơm, Y Gưng, Y Sam, Y Phong... đều rất nhiệt tình, thể hiện sự yêu mến đối với cồng chiêng và những người truyền dạy. Nghệ nhân Y Gõ vui vẻ: “Những em này mình dạy được 2 tháng rồi, được tuyển chọn và chia thành 4 đội theo khả năng đánh là giỏi, khá, trung bình. Hôm nay là do các em chưa tan lớp hết, chứ không còn đông nữa. Bọn nhỏ thích đánh chiêng là mình vui rồi. Mình bắt đầu dạy đánh chiêng cho lớp trẻ cũng được khoảng 15 năm rồi. Từ lớp thiếu nhi ban đầu nay đã trưởng thành, lấy vợ sinh con; rồi đến lứa tuổi tiếp theo cũng đã sắp lấy vợ; lứa tiếp nữa đang học cuối cấp THPT; lứa kế tiếp thì học cuối cấp THCS và giờ đây là đang đào tạo lứa tuổi thiếu nhi này...”.

Nghệ nhân Y Gõ Niê truyền dạy các bài chiêng cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Y Gõ Niê truyền dạy các bài chiêng cho lớp trẻ.

Với sự truyền dạy liên tục, tiếp nối qua nhiều năm như vậy nên hiện nay trong buôn đã có nhiều thế hệ, nhiều người biết đánh chiêng; trong đó đội chiêng chính thức được thành lập từ năm 2001 gồm 1 đội chiêng người cao tuổi, 1 đội chiêng thanh niên và 2 đội chiêng nhi đồng. Đối với đội chiêng nhi đồng và đội chiêng thanh thiếu niên đều tổ chức tập luyện 3 buổi/tuần. Ngoài ra các thành viên trong đội chiêng còn thường xuyên luyện tập các loại nhạc cụ khác như đinh năm, đinh klia, đàn goong, đàn prố... Từ khi thành lập, đội chiêng buôn Kram thường xuyên tổ chức, tham gia các phong trào hoạt động tại địa phương như giao lưu văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống, các hoạt động do UBND xã, UBND huyện, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động và được đánh giá cao với nhiều giải thưởng công nhận. Có thể kể đến như: giải B toàn đoàn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng dân tộc thiểu số toàn huyện Cư Kuin lần thứ III; giải A toàn đoàn tại Liên hoan Thanh thiếu nhi diễn tấu cồng chiêng huyện Cư Kuin lần thứ II; giải A diễn tấu cồng chiêng tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Cư Kuin lần thứ I... và gần đây nhất, vào năm 2015 vừa qua tại Liên hoan diễn tấu nhạc cụ dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk, cụm I tại Krông Pắc đã đoạt giải B toàn đoàn. Bên cạnh đó, đội chiêng của buôn còn tham gia các liên hoan, hội diễn, giao lưu tại các tỉnh thành: TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Trăng, Bình Phước...

Bí thư Chi bộ buôn Kram - Y Dram Knul nhận xét: Những thành tích đạt được của đội chiêng là sự đóng góp, nỗ lực hết mình của các nghệ nhân thế hệ đi trước có nhiều tâm huyết trong việc truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ và sự tham gia nhiệt tình của các thành viên trong đội chiêng. Kinh phí dành cho đội chiêng rất ít, chủ yếu là kinh phí của huyện, tỉnh hỗ trợ. Năm 2011, UBND huyện hỗ trợ cho buôn Kram 1 bộ chiêng và được giao cho Đội trưởng đội chiêng quản lý sử dụng phục vụ cho việc truyền dạy cồng chiêng. Năm 2013, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch hỗ trợ 10 triệu đồng; trong đó tổ chức lễ hội mừng cơm mới là 5 triệu đồng, phần kinh phí còn lại dùng để mua sắm các trang thiết bị cần thiết, tổ chức tập luyện cho đội chiêng của buôn. Với kinh phí hạn hẹp như vậy, nếu không có sự nhiệt tình của các nghệ nhân và niềm yêu thích, say mê luyện tập của từng thành viên trong đội thì sẽ không thể thành công được...

Tình tinh tang, tinh tinh tang, tinh tinh tang, tinh tang tinh tang… Nhịp chiêng tre cứ vang lên rộn ràng, thôi thúc, giục giã. Hồn nhiên, vui tươi như những gương mặt trẻ, nhịp chiêng như mang nắng gió Tây Nguyên, bay qua những ngôi nhà sàn, bay qua những sườn đồi, bay qua sông suối, cứ ngân nga, dư vọng. Và nụ cười của những Y Thơm, Y Gưng, Y Sam, Y Phong… cũng lung linh theo những nhịp chiêng. “Thấy lũ trẻ chăm chỉ luyện tập, yêu tiếng chiêng như vậy, mình vui lắm. Mong là tiếng chiêng của buôn Kram mình cứ nối dài, vang xa mãi như vậy thôi...”, lời tâm sự của Bí thư Chi bộ buôn Kram có lẽ cũng là điều mong mỏi của những người tâm huyết với việc bảo tồn các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.