Multimedia Đọc Báo in

Ngày thi thứ 2 kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi.

19:52, 02/07/2016

Ngày 2-7, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thi môn Ngữ văn (buổi sáng) và môn Vật lý (buổi chiều).

Tại cụm thi Đại học Tây Nguyên, ở môn thi Ngữ văn có 14.999 TS dự thi, đạt tỷ lệ 99,09% (vắng 138 TS); cụm thi địa phương có 7.020 TS thi, đạt tỷ lệ 97,53% (vắng 178 TS).

1
Thí sinh điểm thi THPT Hồng Đức  trước giờ thi môn Ngữ văn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều điểm thi, TS hoàn thành bài thi môn Ngữ văn khá sớm. Khoảng 9 giờ 30 phút tại điểm thi Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk (thuộc cụm thi Đại học Tây Nguyên) đã có TS rời trường thi và ra về rải rác sau đó dù vẫn chưa kết thúc thời gian làm bài thi.

TS Phạm Thị Phượng (Trường THPT Krông Ana) nhận xét: Đề năm nay không quá khó nhưng có hơi bất ngờ, với đề thi này chắc chắn TS không bị điểm liệt. Còn TS Nguyễn H’Phương Bjă (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện M’Đrắk) cho biết, chỉ mất 2/3 thời gian làm bài em đã làm xong toàn bộ đề Văn, nhiều bạn cùng phòng thi cũng vậy. Câu hỏi nghị luận xã hội khá hay với phần luận về lòng dũng cảm hay hèn nhát. Em chứng minh điều này từ bản thân mình khi quyết tâm dốc sức ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT năm 2016. Trong khi đó, để luận về nội dung này, TS Phạm Lê Hà Tiên (THPT Nguyễn Tất Thành, huyện M’Đrắk) lại lấy tấm gương về nghị lực sống để chiến đấu kiên cường với căn bệnh ung thư của  nhạc sĩ Trần Lập, thủ lĩnh ban nhạc Bức tường.

2
Thí sinh điểm thi THPT Hồng Đức trao đổi về đề Văn.

Cũng môn thi Ngữ văn, tại cụm thi địa phương, TS Phan Nguyễn Hoài Thanh (điểm thi Trường THPT Cư M’gar) rời phòng thi với tâm trạng thoải mái, nói: “Đề thi có 2 phần, phần đọc hiểu gồm 8 câu, phần làm văn có 2 câu. Em rất thích câu hỏi phân tích về sự mượt mà, tinh tế và bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt qua đoạn trích. Những câu hỏi về chủ đề tiếng Việt khá gần gũi, giúp chúng em bày tỏ được tình cảm của mình với tiếng mẹ đẻ”. Còn TS Trần Thị Minh Thủy, HS Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Cư M’gar) thì cho rằng, những câu hỏi trong đề thi môn Văn đòi hỏi TS phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và bản lĩnh của mình. Bởi trong cả 2 phần thi đều có câu hỏi đề cập đến sự dũng cảm, hèn nhát của con người. Chẳng hạn như câu: “Anh/chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”?; hay câu bàn luận về ý kiến: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Những câu hỏi này khá trừu tượng và không cụ thể, sát thực tế như mọi năm. “Em làm hết bài thi nhưng không biết đúng được bao nhiêu phần trăm”, Thủy bộc bạch.

2
Thí sinh điểm thi THPT Cư M’gar phấn khởi làm bài tốt môn Ngữ văn.

Bên cạnh những TS hoàn thành tốt bài thi của mình thì cũng có một số em khá bất ngờ vì đề thi nằm ngoài dự kiến và kiến thức ôn tập của các em. TS H’Thư Êban, HS Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Cư M’gar) bày tỏ: “Em và các bạn tập trung ôn nhiều về thơ và tác giả nên khi đề ra phần văn xuôi đã làm không được tốt lắm; ở phần bình luận ý kiến về tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cũng rất khó”.

3
Nhiều phụ huynh tại điểm thi THPT Cư M’gar kiên trì đứng đợi con.

Còn môn Vật lý, cả 2 cụm thi có 10.808 TS dự thi, vắng 154 TS (cụm thi Đại học Tây Nguyên có 9.672 TS dự thi, đạt 98,9%, cụm thi địa phương là 1.511 TS, đạt tỷ lệ 97,05%).

1
Cán bộ điểm thi THPT Cư M’gar niêm phong túi đựng bài thi. 

Theo báo cáo nhanh của 2 cụm thi, ngày thi thứ 2 (ngày 2-7) về cơ bản đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; ở môn thi Ngữ văn tại cụm thi Đại học Tây Nguyên có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi đã bị đình chỉ thi.

4
Thí sinh điểm thi Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Đắk Lắk  hào hứng hoàn thành  các môn thi xét tốt nghiệp THPT.

Về thời tiết, nhìn chung khí hậu khá mát mẻ; giao thông ở các điểm thi thông suốt, không xảy ra ách tắc.

* Ngày 3-7: buổi sáng thi môn  Địa lý (180 phút); buổi chiều thi môn Hóa học (90 phút).

Nguyên Hoa –Nguyễn Xuân
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.