Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới bên dòng Sêrêpốk

06:05, 28/01/2020

Tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên cùng cách làm hiệu quả, nhiều người dân ở khu vực hồ Thủy điện Sêrêpốk 3 đã từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chợ cá bên bờ hồ thủy điện

Phiên chợ cá làng chài thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) diễn ra lúc trời chưa sáng. Chợ chỉ họp trong khoảng nửa tiếng, người mua kẻ bán là bạn hàng thân thiết nên họ ít khi mặc cả. Hàng hóa là những đặc sản nổi tiếng của dòng Sêrêpốk. Mỗi phiên chợ, ước có khoảng nửa tấn cá tôm đủ loại từ đây được chuyển về các nhà hàng, các chợ gần xa.

Cha con anh Trần Văn Tuấn ra hồ thả lưới, đặt lồng, giăng câu từ chiều hôm trước, 4 giờ sáng thì thuyền cập bến, kịp phiên chợ. Một đêm, hai cha con cũng đánh bắt được vài chục ki-lô-gram các loại cá, tôm, tép...  Anh Tuấn tâm sự, từ nhỏ anh đã quen với nghề đánh bắt cá ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Năm 2011, khi Thủy điện Sêrêpốk 3 chặn dòng tích nước, vợ chồng anh đưa hai con thơ lên nơi này kiếm sống. Bình quân một đêm lênh đênh trên mặt hồ Sêrêpốk 3, hai cha con anh cũng kiếm được trên 1 triệu đồng từ bán cá. Có đêm trời cho, đánh được vài con cá lăng thì cũng được mấy triệu.

Lồng bè nuôi cá của gia đình anh Trần Văn Tuấn.
Lồng bè nuôi cá của gia đình anh Trần Văn Tuấn.

Thấy vợ chồng anh Tuấn ăn nên làm ra, ngư dân nhiều nơi đổ về dựng lều cùng mưu sinh nghề sông nước. Làng Chài thôn Tân Phú hình thành, phiên chợ cá tờ mờ sáng cũng có từ đó. Ghe, thuyền tập trung ở bến nhiều hơn, khúc sông trở nên nhộn nhịp.

Hướng đến phát triển bền vững

Nhờ số tiền chắt chiu từ  đánh bắt cá tự nhiên hơn một năm, anh Tuấn đã đầu tư làm một bè lồng, thả nuôi mấy nghìn con cá lóc giống. Hằng đêm cha con anh vẫn đánh bắt cá trên hồ. Cá lớn anh bán cho thương lái, còn cá tạp, tôm tép  dùng làm thức ăn cho cá lóc nuôi. Cá lóc tạp ăn, lớn nhanh, chỉ hơn 6 tháng lồng bè đã cho thu gần 2 tấn cá thịt, bán với giá 45.000 đồng/kg, anh lãi 60 triệu đồng.  Có vốn, anh tiếp tục đầu tư thêm 2 lồng bè nuôi cá diêu hồng và cá rô đầu vuông. Mỗi lứa nuôi trong 6 tháng, 3 lồng bè cá cho thu lãi xấp xỉ 120 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Lương trước đây cũng làm nghề nuôi cá lồng ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nhưng cá chậm lớn, lại hay bị chết nên lãi ít, thậm chí có lứa còn lỗ. Năm 2014 anh Lương di chuyển lồng bè về hồ thủy điện Sêrêpốk 3 nuôi cá lăng và cá thát lát. Đây là giống cá đặc sản, giá trị kinh tế  cao hơn các loại cá khác, tuy thời gian nuôi cá lăng phải kéo dài đến 2 năm mới thu hoạch. Con cá nào nặng trên 2 kg được thương lái đến tận bè mua với giá 200.000 đồng/kg. Những ngày lễ, tết không đủ cá để bán.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn từ việc nuôi cá lồng bè ở lòng hồ Thủy điện Sêrêpốk 3, cuối tháng 5-2019 Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông Buôn Đôn (HTX) được thành lập, với thành phần hội viên là những người đang nuôi cá trên hồ Thủy điện  Sêrêpốk 3.

Bên cạnh giúp xã viên khai thác lợi thế của mặt hồ, đất quanh hồ trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX còn khai thác mặt hồ phát triển du lịch sinh thái, thu hút khách tham quan, trải nghiệm nông nghiệp.

Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX đang có 8 xã viên. Sau khi gia nhập, mỗi  thành viên đã được UBND huyện Buôn Đôn hỗ trợ 40 triệu đồng để phát triển nghề nuôi cá lồng. Các thành viên HTX đã ký cam kết thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn trong chăn nuôi. Hiện đã có 20 lồng bè cá ở lòng hồ Thủy điện Sêrêpốk 3 được nuôi đúng quy trình kỹ thuật.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.