Multimedia Đọc Báo in

Quản lý thuế thời 4.0

07:23, 27/01/2020

Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi, áp dụng mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả và tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

Với ngành Thuế, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ làm cho việc quản lý thuế trở nên đơn giản, thuận lợi, công khai và minh bạch.

Minh bạch nghĩa vụ thuế với Nhà nước

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, quy mô và lĩnh vực hoạt động đa dạng, phức tạp trong khi nguồn nhân lực của ngành lại có hạn. Tính đến 26-11-2019, ngành Thuế tỉnh đang quản lý 45.858 tổ chức, cá nhân hoạt động gồm 7.256 doanh nghiệp, 2.598 cơ quan nhà nước, 36.004 hộ kinh doanh. Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi xuyên suốt trong hoạt động quản lý của ngành Thuế từ đăng ký mã số thuế đến quản lý thuế, theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế...

Theo đó, ngay khi doanh nghiệp đăng ký thành lập, cơ quan thuế phối hợp với ngành Công an và Sở Kế hoạch và Đầu tư kết nối một cửa liên thông cấp đồng thời mã số thuế, con dấu, mã số kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy, khi thành lập doanh nghiệp, người dân chỉ cần tới Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký. Sau khi có mã số thuế, doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử để thực hiện các nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế điện tử và nắm bắt biến động số thuế phải nộp qua mỗi tháng, số thuế được hoàn, số thuế nợ, thời hạn nộp thuế...

Ông Nguyễn Kinh Luân, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) trình bày giải pháp cải cách hành chính đối với ngành.
Ông Nguyễn Kinh Luân, Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) trình bày giải pháp cải cách hành chính đối với ngành.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng thu thuế, phí năm 2019 ước đạt 4.700 tỷ đồng, đạt 109,5% dự toán Trung ương giao, 102,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 6,4% so với năm 2018. 

Còn với ngành Thuế, ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS quản lý hoạt động của người nộp thuế từ kê khai nộp thuế điện tử đến nắm bắt tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của từng người nộp thuế, xử lý hồ sơ công văn, văn bản điện tử, ký điện tử, lưu hành văn bản nội bộ… Hiện tại, hầu hết các sắc thuế đều đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, đơn cử như Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tài nguyên khoáng sản, Thuế thu nhập cá nhân… Chính việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý thuế đã đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho người nộp thuế, đồng thời góp phần siết chặt công tác quản lý thuế, thúc đẩy số thu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Tiếp tục hiện đại hóa ngành Thuế

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, hiện tại ngành Thuế đang sử dụng gần 20 ứng dụng phục vụ quản lý thuế như ứng dụng nộp thuế điện tử, kê khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử... Đặc biệt, tháng 8-2018 ngành Thuế bắt đầu triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử (eTax), hỗ trợ, cho phép người nộp thuế vào cổng thông tin ngành Thuế để thực hiện dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tra soát chứng từ đặc biệt là hỏi đáp trực tiếp với cơ quan thuế thay vì phải đến cơ quan thuế như trước. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có trên 97% người nộp thuế thực hiện kê khai điện tử, 95% người nộp thuế thực hiện nộp tiền điện tử, 100% người nộp thuế đang ký hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử... Việc tiếp nhận tờ khai, công văn của người nộp thuế đều được tiếp nhận, thực hiện, trả lời qua chương trình điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế về thời gian, chi phí, lưu trữ thuận tiện trên cổng thông tin, công khai minh bạch về số thu, số nộp của người nộp thuế…

Cán bộ Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên theo dõi tình hình nộp thuế trên hệ thống điện tử.
Cán bộ Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên theo dõi tình hình nộp thuế trên hệ thống điện tử.

Ông Ngô Việt Hồng, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, hiện tại ngành Thuế vẫn còn vướng mắc trong quản lý thuế hộ kinh doanh và thuế trước bạ nhà đất. Cụ thể, mắt xích kết nối giữa cơ quan thuế và bưu điện đã được đồng bộ bằng hệ thống ngành và cập nhật số thu nộp của từng hộ kinh doanh trên hệ thống nhưng công tác bán hóa đơn, cấp hóa đơn thu thuế qua ủy nhiệm thu, hành thu vẫn đang thực hiện thủ công. Còn thuế trước bạ nhà đất người nộp thuế vẫn phải đem hồ sơ đến trực tiếp tại cơ quan thuế để nộp.

Hiện tại, ngành Thuế đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Vĩnh Long, Vũng Tàu để xây dựng hệ thống kết nối liên thông điện tử giữa ngành Thuế và Tài nguyên Môi trường. Dự kiến, năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng hệ thống kết nối giữa hai ngành nhằm đưa công nghệ thông tin vào quản lý thuế trước bạ nhà đất, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.