Multimedia Đọc Báo in

Tâm huyết với nông nghiệp sạch

18:58, 27/01/2020

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự tin áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng nông dân thay đổi thói quen canh tác

Đã gần 70 tuổi nhưng lão nông Phan Đình Xuân, xã Ea Ô, huyện Ea Kar vẫn thường xuyên tất bật chăm sóc ruộng vườn và đi khắp nơi kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Mấy chục năm công tác trong quân đội và cơ quan nhà nước, công việc luôn gắn bó với nông nghiệp, ông nhận thấy bất cập lớn là nhiều nông dân còn canh tác kiểu lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường, giảm năng suất cây trồng.

Năm 2007, ông Xuân đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Nhất nhằm liên kết nông dân trên địa bàn huyện để sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe. Diện tích đất canh tác chỉ chưa đầy 10 ha, bên cạnh trồng cam, quýt, ông và các thành viên tận dụng từng đám đất trống để trồng thêm măng tây, gạo tím…

Tất cả các loại cây trồng ở đây được trồng theo phương pháp hữu cơ, việc chăm sóc, phòng trị bệnh đều theo phương pháp an toàn sinh học. Thời gian đầu áp dụng cách canh tác này, nhiều thành viên, nông dân chẳng mấy mặn mà vì năng suất cây trồng không cao, giá bán lại tương đương các sản phẩm khác. Ông kiên trì giải thích cho người dân về lợi ích của sản xuất sạch, dần dần, bà con đã thay đổi nhận thức, cách làm và quen với canh tác bền vững.

Ông Phan Đình Xuân (bìa trái) giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã tại sự kiện xúc tiến thương mại.
Ông Phan Đình Xuân (bìa trái) giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã tại sự kiện xúc tiến thương mại.

Bên cạnh sản xuất, ông Xuân còn học hỏi và chế biến thành công loại trà thảo mộc từ các loại cây dược liệu như chùm ngây, đinh lăng, khổ qua, hay các sản phẩm từ gạo tím như ngũ cốc, bánh dẻo. Những sản phẩm này được sử dụng nguyên liệu sạch, không dùng phụ gia, hóa chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông còn đi khắp các tỉnh, thành tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của xã viên. Nhờ đó, những sản phẩm do đơn vị sản xuất được người tiêu dùng trên toàn quốc biết đến và tin tưởng về chất lượng, an toàn.

Từ thành công của HTX, hơn 10 năm qua, 7.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh đã đến đây tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và nhiều người đã áp dụng thành công. Hiện ông Xuân đang vận động các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện thành lập liên hiệp HTX để liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và kết nối các nhà khoa học tư vấn kỹ thuật cho người dân.

Kết nối làm nông nghiệp sạch

Anh Trần Thế Châu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân An (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) trước đây làm nghề buôn bán nông sản. Với mong muốn chia sẻ khó khăn, hạn chế thiệt hại cho nông dân, đầu năm 2018, anh đứng ra thành lập HTX, liên kết 85 thành viên tại huyện Krông Pắc và Krông Bông trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX đã đầu tư 45 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại khép kín, nhà lưới, nhà kính và phòng sơ chế phục vụ sản xuất trên diện tích 55 ha, trong đó, 35 ha trồng cây ăn quả, 10 ha rau, còn lại là chuồng trại và nhà xưởng.

Về chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo quy trình chuẩn an toàn dịch bệnh, trang trại nằm xa khu dân cư, sử dụng đệm lót sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo đảm sức khỏe cho người lao động. HTX hiện có 1.000 con heo thịt, gần 900 con bò và 50.000 con gà, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng nghìn con gia súc, gia cầm.

Điểm bán sản phẩm sạch của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân An tại TP. Buôn Ma Thuột.
Điểm bán sản phẩm sạch của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân An tại TP. Buôn Ma Thuột.

Nguồn chất thải từ chăn nuôi được HTX tận dụng làm phân hữu cơ để trồng rau với diện tích 10 ha theo tiêu chuẩn quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) từ khâu chọn đất, nguồn nước tưới, phân bón, chăm sóc. Nhờ sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và chủ động xây dựng các mối liên kết tiêu thụ, các loại rau, củ, quả của HTX đã có đầu ra ổn định trên thị trường trong tỉnh và xuất đi TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt với sản lượng 3 tấn/ngày, giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg so với sản phẩm thông thường.

Điều đáng nói là HTX không chỉ sản xuất tập trung mà còn liên kết đầu tư cây, con giống cho 860 hộ dân địa phương. Đội ngũ kỹ thuật của đơn vị giám sát các công đoạn bảo đảm tuân thủ quy trình sản xuất sạch; sản phẩm của người dân được đơn vị bao tiêu lâu dài. Bên cạnh đó, HTX làm đầu mối thành lập Tổ liên kết các HTX nông nghiệp để thu gom, tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị thành viên. Tổ liên kết này ngoài việc xuất hàng đi ngoại tỉnh còn có 3 cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng địa phương.

Anh Trần Thế Châu, Giám đốc HTX cho biết, thời gian tới HTX sẽ phát triển thêm 1.000 ha chanh dây và các loại cây trồng khác tại huyện Cư M’gar và Krông Búk để cung cấp sản phẩm cho đối tác xuất đi thị trường Hàn Quốc, dự kiến tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 300 hộ dân. 

Với tâm huyết và những nỗ lực không mệt mỏi vì nền nông nghiệp bền vững ông Phan Đình Xuân vinh dự là một trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019; anh Trần Thế Châu đoạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018.

Minh Thông

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.