Multimedia Đọc Báo in

Thành phố Buôn Ma Thuột với nỗ lực xây dựng nông thôn mới

09:35, 28/03/2016

Trong 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), TP. Buôn Ma Thuột luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện và hoàn thành các tiêu chí. Đến nay đã có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đều đạt trên 10 tiêu chí, qua đó đã góp phần tạo diện mạo mới cho các xã vùng ngoại thành.

Khu vực nông thôn của TP. Buôn Ma Thuột gồm 8 xã với 72 thôn, 25 buôn; diện tích tự nhiên chiếm hơn 73% tổng diện tích và số nhân khẩu chiếm 35% dân số thành phố. Trước khi triển khai chương trình XDNTM, các xã trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, có đến 75% số xã đạt dưới 4 tiêu chí, xã đạt cao nhất cũng chỉ được 7/19 tiêu chí. Trước thực tế trên, thành phố xác định công tác XDNTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội khác trên địa bàn. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện, thành phố đã xác định tuyên truyền là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình XDNTM, với nhiều hình thức phong phú như biên soạn tài liệu, tờ rơi; trên các phương tiện truyền thông; tổ chức lễ phát động thi đua XDNTM… để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ và đồng thuận với mục tiêu, nhiệm vụ của mình trong XDNTM… Nổi bật trong đó là xã Hòa Thắng, để đạt được mục tiêu về đích NTM trong năm 2015, xã đã xây dựng kế hoạch có trọng tâm, xác định tiêu chí nào dễ làm trước và chọn 3 thôn, 1 buôn làm điểm, gồm: thôn 5, 8, 11 và buôn Kom Leo. Theo đó, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo lập phương án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, trong đó quy hoạch 6 vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức sản xuất phù hợp với đặc thù kinh tế nông nghiệp vùng ven theo hướng đô thị hóa, đặc biệt chú trọng phát huy lợi thế về sản xuất giống cây trồng và hoa cây cảnh, cùng các dịch vụ thương mại, cơ khí… Nhờ vậy, năm 2015, doanh thu thương mại toàn xã đạt 467 tỷ đồng (năm 2011 là 176 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người 28,67 triệu đồng; số hộ nghèo giảm còn 78 hộ, chiếm 1,95%..., góp phần hoàn thành các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Về xây dựng cơ ở hạ tầng thiết yếu được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân đóng vai trò chủ thể, đến nay 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải; 90% đường trục thôn, buôn, 84% đường ngõ, xóm và 71,1% đường trục chính nội đồng được cứng hóa… Năm 2015, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM.

Nuôi ong quy mô nông hộ  tại xã Hòa Thắng.
Nuôi ong quy mô nông hộ tại xã Hòa Thắng.

Hay ở xã Hòa Xuân, tuy chưa cán đích NTM nhưng trong 5 năm triển khai thực hiện chương trình, địa phương cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Sự thay đổi rõ nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay 100% đường liên xã, liên thôn, 35,94% đường trục thôn, 64,72% đường ngõ xóm và 8,84% đường trục chính giao thông nội đồng đã được cứng hóa; hệ thống điện và thủy lợi trên địa bàn xã cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân… Hiện Hòa Xuân đã đạt được 15/19 tiêu chí, trong năm 2016, xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng 15 tiêu chí đã đạt, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn NTM vào cuối năm.

Hội thảo đầu bờ giới thiệu giống lúa mới tại xã Hòa Xuân.
Hội thảo đầu bờ giới thiệu giống lúa mới tại xã Hòa Xuân.

Theo Ban Chỉ đạo XDNTM thành phố, hằng năm, thành phố bố trí khoảng 1 tỷ đồng cho công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, trong 5 năm đã tổ chức được 671 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 32.100 lượt người tham gia, thực hiện 380 mô hình trình diễn và 130 buổi hội thảo đầu bờ. Các ngành chức năng của thành phố cũng đã giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho 1.750 học viên, khoảng 90% học viên có việc làm sau đào tạo. Ngoài ra, thành phố cũng đã bố trí 12,3 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cũng được quan tâm đầu tư; trong 5 năm, ngân sách tỉnh và thành phố đầu tư trên 541 tỷ đồng, nhân dân đóng góp kinh phí, công, hiến đất, dỡ hàng rào… với tổng giá trị trên 225,6 tỷ đồng để xây dựng trên 102 km đường thôn, buôn, 145 km đường ngõ, xóm, 20,54 km đường nội đồng, kiên cố được 28,4 km kênh mương, 252 phòng học… Đặc biệt, bằng hình thức thành phố hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp kinh phí mua vật liệu và công xây dựng đã khuấy động được phong trào làm đường giao thông nông thôn ở tất cả các thôn, buôn. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ trên 10.333 tấn xi măng, nhân dân đóng góp trên 30 tỷ đồng để làm 87,2 km đường ngõ, xóm… Ngoài ra, công tác phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận: có 31/42 trường học được công nhận đạt Chuẩn quốc gia, có 6/8 xã đạt tiêu chí về trường học; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22,01%; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,96%, bình quân giảm 1,04%/năm; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 92%... Sau 5 năm triển khai chương trình, thành phố đã đạt được 127/152 tiêu chí, trung bình đạt 15,9 tiêu chí/xã, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt 16 tiêu chí, 3 xã đạt từ 12-13 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.