Multimedia Đọc Báo in

Lao đao nghề nuôi ong ở Cư M'gar

09:29, 28/03/2016

Từng đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân, tuy nhiên, nghề nuôi ong ở huyện Cư M’gar đang đối mặt với nhiều khó khăn vì mật ong mất mùa, rớt giá thê thảm!

Người nuôi ong có thể khai thác mật từ tháng Giêng đến hết tháng Tám âm lịch, trong đó, mùa thu mật chính kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch. Thời điểm này những năm trước, người nuôi ong ở huyện Cư M’gar liên tiếp quay mật hoa cà phê và lá cao su, nhưng năm nay, giữa “mùa con ong đi lấy mật”, không khí đìu hiu bao trùm khắp các trại ong. Dạo quanh các xã có số lượng đàn ong lớn như Ea Tar, Ea Tul, Cư Dliê Mnông, nhiều trai ong vắng hoe vì không có người trông coi. Ghé vào một trại ong đặt dưới lô cao su bên đường liên xã Ea Tar – Cư Dliê Mnông tìm mãi vẫn không thấy chủ trại. Các công nhân khai thác mủ cao su tại đây cho biết, chủ ong từ Bình Phước chuyển đến đây được khoảng một tuần, nhưng chẳng mấy khi có mặt ở trại. Theo những người nuôi ong, do giá mật xuống thấp, khó bán nên nhiều người bỏ bê ong, một số chủ trại giảm số lượng đàn, giá mỗi đàn ong giờ chỉ còn 500.000 – 600.000 đồng (bằng 1/3 so với năm trước) mà vẫn không bán được. Đang kiểm tra đàn ong, ông Nguyễn Văn Cự, thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar rầu rĩ: “Mấy tháng nay, mật ong mất mùa, rớt giá khiến người nuôi ong lao đao. Thời điểm này năm trước, các chủ ong rầm rộ chuẩn bị đưa ong ra Bắc đánh mật hoa vải, nhãn, nhưng năm nay chẳng ai muốn đi xa vì sợ thua lỗ”. Ông Cự có 400 đàn ong, trước đây, mật đầy 7 – 8 cầu/thùng, mỗi năm thu được 4 tấn mật, nhưng năm nay, mỗi thùng được 5 cầu, tổng lượng mật chỉ đạt khoảng 2 tấn. Nguyên nhân khiến ong mất mùa là thời tiết diễn biến phức tạp, mật hoa cà phê và lá cao su không đạt chất lượng, ong không đủ lượng phấn hoa để tạo mật.
Một trại ong ở xã Ea Tul, huyện Cư M'gar đang vào mùa quay mật.
Một trại ong ở xã Ea Tul, huyện Cư M'gar đang vào mùa quay mật.

Không chỉ mất mùa, giá mật ong cũng xuống thấp càng khiến người nuôi ong gặp khó khăn. Anh Trần Văn Sỹ đặt ong tại buôn Yao, xã Ea Tul cho biết, mấy năm trước, ong liên tục được mùa, được giá nên người nuôi ong có lãi và liên tục nhân đàn. Mỗi năm anh đầu tư gần 100 triệu đồng, nuôi 300 đàn ong, sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, mùa mật năm nay, anh chỉ thu được  300 lít mật, giá bán chỉ được 20.000 đồng/lít. Theo tính toán của anh, bình quân mỗi năm chi phí đầu tư đường, nguyên liệu, công vận chuyển, chăm sóc… cho một thùng ong hơn 1 triệu đồng, năm trước quay được 12 đợt, tổng sản lượng khoảng 50 lít, giá 40.000 đồng/lít, người nuôi ong có lãi, nhưng thời điểm này, sản lượng, giá bán mật giảm gần 50% dẫn đến thua lỗ. Anh lý giải, giá mật ong giảm mạnh do mấy tháng nay, việc xuất khẩu mật ong bị ngưng trệ, lượng mật tồn kho rất lớn, các đại lý thu mua chỉ cho người nuôi ký gửi mật, đến khi nào xuất được mật mới thanh toán. Cụ thể, cứ 1 tấn mật, người nuôi được nhận 10 triệu đồng, còn lại phải chờ kiểm tra chất lượng, nếu mật tốt, tiêu thụ được thì họ mới được thanh toán đủ tiền, nếu mật không đạt chất lượng thì phải trả lại tiền và trừ khấu hao ký gửi. Bởi vậy, một số người trữ mật lại chờ lên giá, còn phần lớn phải chấp nhận bán giá thấp để bù lại chi phí đầu tư. Tình hình còn bi đát hơn với người nuôi ong khi gần đây, các đại lý không nhập mật ong chăn thả ở các rừng keo, trong khi đó, mật bán lẻ trên thị trường cũng rất khó khăn vì thông tin mật ong nhiễm các chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người tiêu dùng e ngại.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có 50.000 đàn ong, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Tul, Cư Dliê Mnông…, đem lại thu nhập khá cho nhiều người dân địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện nay người nuôi ong đang rơi vào tình cảnh lao đao do thời tiết diễn biến thất thường, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Đáng lo ngại là tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng ngày càng nhiều khiến mật ong giảm chất lượng. Bên cạnh đó, một số người nuôi sử dụng đường và các hóa chất khác trong chăn nuôi, làm giảm khả năng tiêu thụ trên thị trường. Ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người nông dân tuân thủ các quy định về vệ sinh dịch bệnh và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của nghề nuôi ong.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.