Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất huy động cao chưa hẳn là "miếng mồi" ngon

09:08, 28/03/2016
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động khiến dư luận lo ngại sẽ khởi nguồn một “cuộc đua” lãi suất giữa các ngân hàng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã liên tiếp tung ra hàng loạt chương trình nhằm tăng lãi suất huy động của mình. Lãi suất huy động cao nhất hiện nay ở một số ngân hàng đã lên đến 8,2%/năm. Thông thường, theo quy luật thì khi lãi suất huy động ở nơi nào cao, người gửi sẽ chuyển tiền vào nơi đó. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xảy ra tình trạng này. Đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này vẫn đang duy trì tốc độ huy động theo đúng kế hoạch đề ra với tổng vốn huy động đạt gần 100 tỷ đồng. Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng nguồn vốn huy động ước đến nay đạt trên 26.837 tỷ đồng; tăng 1,5% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn trên 12 tháng ước đạt trên 7.233 tỷ đồng, chiếm 26.95% nguồn vốn huy động. Xét theo cơ cấu tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm ước đạt 22.933 tỷ đồng, chiếm 85,6% tiền gửi, tăng 1,4% so với đầu năm; còn lại là tiền gửi thanh toán. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, mặc dù lãi suất huy động có sự chênh lệch nhất định, nhưng nguồn tiền cơ bản vẫn “chảy” vào các ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn có tốc độ tăng trưởng huy động ổn định. Cụ thể, tính đến nay trong tổng vốn huy động của cả hệ thống, khối ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 16.317 tỷ đồng, chiếm 60,12%; khối ngân hàng thương mai cổ phần huy động được 9.633 tỷ đồng chiếm 35,49%, còn lại là của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Hợp tác xã .

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT.

Có nhiều nguyên nhân khiến người gửi vẫn “găm” tiền trong các ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong đó phải kể đến “chỉ số niềm tin” mà khách tín nhiệm đối với số tiền tích cóp của mình. Kế đến là mặc dù lãi suất huy động ở một số ngân hàng cao thật, nhưng để được hưởng lãi suất cao, khách hàng phải gửi kỳ hạn dài và chỉ được rút vốn đúng hạn. Điều này gây khó khăn không nhỏ với nhiều khách hàng, bởi tiền gửi ngân hàng bên cạnh những yếu tố như an toàn, sinh lãi… thì đây cũng chính là khoản tiền chờ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Đào (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, với lãi suất ngân hàng như hiện nay vẫn không thể sinh lợi bằng nhiều kênh đầu tư khác. Do vậy, nếu gửi cố định kỳ hạn dài, khi có cơ hội đầu tư sẽ không “xoay” kịp và sẽ bỏ lỡ cơ hội. Đây là tâm lý chung của hầu hết người gửi tiền vào ngân hàng hiện nay.

Có thể nói, “miếng mồi” lãi suất vẫn chưa khiến dòng tiền chuyển đổi là một tín hiệu vui đối với hoạt động ngân hàng. Bởi một khi những ngân hàng lớn chưa bị thiếu hụt “đầu vào” thì chắc chắn sẽ không có chuyện xảy ra “cuộc đua” lãi suất. Như vậy lãi suất “đầu ra” sẽ còn ổn định trong thời gian tới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng. Trong đó “hơi nóng” thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất. Lý giải về việc lãi suất tăng, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dịp cuối năm vừa qua đã xảy ra vài đợt sóng thanh khoản, khan hiếm vốn nên các ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.