Multimedia Đọc Báo in

Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt về sau

08:33, 18/03/2024

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh ưu việt, nhân văn, không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, để bảo vệ người lao động khi tham gia vào hệ thống, Nhà nước đã tính toán tỷ lệ đóng, mức đóng, mức hỗ trợ và thời gian tham gia để hướng đến một xã hội an sinh, có cuộc sống tự chủ khi về già. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều lao động vì cuộc sống khó khăn trước mắt đã tự đánh mất cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của mình.

Gia tăng lao động nhận BHXH một lần

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, mỗi năm số người nhận BHXH một lần ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc số người lao động này đã ra khỏi lưới an sinh xã hội, có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động mà còn là gánh nặng đối với gia đình, xã hội.

Thực tế cho thấy, phần lớn những lao động nhận BHXH một lần là những lao động trẻ, lao động nông thôn đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam. Những năm gần đây, do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn hàng không ổn định phải cắt giảm lao động nên phần lớn những công nhân thất nghiệp này phải trở về quê. Vì khốn khó, cuộc sống thiếu thốn nên hầu hết các lao động này đều đợi đủ thời gian nghỉ việc (1 năm) để làm thủ tục nhận BHXH một lần, dù có người chỉ mới tham gia BHXH vài tháng.

Người dân đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH huyện Krông Bông.

Đơn cử như trường hợp của chị H Dae Byă (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) từng làm công nhân ở Tây Ninh được 5 tháng. Tháng 10/2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phía doanh nghiệp gặp khó khăn nên chị nghỉ việc và trở về quê.

Đến cuối năm 2023, chị đã đến BHXH huyện để làm thủ tục nhận BHXH một lần dù số tiền được mang về chẳng đáng bao nhiêu. Chị H Dae chia sẻ: “Sau khi nghỉ việc, không có nguồn thu nhập, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn nên đành rút BHXH để trang trải cuộc sống. Khi nào có đơn hàng, phía công ty gọi đi làm lại thì tôi sẽ lại tham gia BHXH”.

 

Theo thống kê của BHXH tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, trung bình mỗi năm số người nhận BHXH một lần tăng hàng nghìn trường hợp. Trong đó, năm 2023 đã có 20.344 người hưởng chế độ BHXH một lần, tăng 6.526 người so với năm 2022; năm 2022 tăng 3.792 người so với năm 2021...

Bên cạnh đó, nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vì cuộc sống khó khăn nên đã vào làm việc cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh với mục đích tích lũy tiền lương rồi trở lại quê nhà kinh doanh, buôn bán chứ không có ý định gắn bó lâu dài với công ty.

Cụ thể như trường hợp vợ chồng anh Y Thức Niê (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) sau 5 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tích cóp được một số vốn nên đã nghỉ việc trở về địa phương. Cùng với số tiền nhận BHXH một lần, vợ chồng anh đã xây dựng nhà cửa khang trang và mở cửa hàng buôn bán nhỏ. 

Tiếc nuối khi về già

Biết rằng, phần lớn người lao động rút BHXH một lần là do đời sống còn khó khăn, để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt nên họ chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già; nhưng cũng có nhiều người do không được tư vấn, tuyên truyền, giải thích rõ về quyền lợi tham gia BHXH và việc nhận lương hưu khi đủ điều kiện nên lo ngại sẽ có nhiều rủi ro, trượt giá, rồi sẽ mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm tiền trước trong tay cho chắc.

Khi về già nhiều người mới thấy tiếc nuối khi đã nhận BHXH một lần. Đó là trường hợp ông Nguyễn Ngọc Thảo (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) trước đây công tác trong một cơ quan nhà nước, năm 2012 do không đủ điều kiện để được tiếp tục bổ nhiệm nên ông phải nghỉ việc.

Thời điểm đó, ông Thảo đã tham gia BHXH được gần 14 năm. Do kinh tế gia đình khó khăn cùng với việc không hiểu hết của lợi ích của việc được nhận lương hưu nên ông quyết định nhận một lần với số tiền hơn 30 triệu đồng.

Sau đó một thời gian, ông tiếp tục tham gia công tác bán chuyên trách tại địa phương và được đóng BHXH. Đến năm 2022, ông nghỉ việc và lại tiếp tục nhận BHXH một lần với số tiền hơn 10 triệu đồng. Bây giờ, tuổi già, không có nguồn thu nhập ổn định khiến ông luôn tiếc nuối vì việc đã không tiếp tục tham gia BHXH để được nhận lương hưu.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo (thứ ba từ trái sang) bày tỏ tiếc nuối khi không tham gia BHXH để được nhận lương hưu.

Theo BHXH tỉnh, số tiền đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy, dự phòng cho bản thân người lao động khi về già. Nếu gặp khó khăn phải nghỉ việc, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện cho đủ thời gian hưởng lương hưu. Số tiền này sẽ không mất đi mà vẫn được cơ quan bảo hiểm quản lý, đầu tư tăng trưởng. Cụ thể từ thực tế những năm qua cho thấy, Nhà nước đã có sự điều chỉnh về lương hưu để phù hợp với mức sống của người dân.

Ngoài ra, người lao động khi đủ thời gian đóng BHXH, ngoài quyền lợi về lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế để dự phòng những lúc bệnh tật. Đến khi qua đời, người thân của người tham gia cũng được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu qua đời; được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì được hưởng tối đa 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc