Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp tiết kiệm lượng nước tưới cho cà phê vào mùa khô

08:49, 01/11/2016

Tình hình biến đổi khí hậu với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là hạn hán và lượng mưa biến động giữa các năm đã làm ảnh hưởng đến lượng nước tưới cho cây cà phê.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, tại Đắk Lắk, nông dân áp dụng phương pháp tưới gốc cho cà phê là chủ yếu với tỷ lệ 83 %, tưới phun mưa khoảng 17 % và có tới  45% hộ nông dân sử dụng nước ngầm phục vụ tưới cho cây cà phê.

Nhằm cung cấp những dữ liệu về tình hình sử dụng nước của người trồng cà phê, giúp nông dân xác định được lượng nước tưới nhằm hạn chế tổn thất nước không cần thiết, giảm chi phí nhân công và nhiên liệu mà vẫn bảo đảm năng suất cây trồng, WASI đã tiến hành một nghiên cứu tổng hợp về tình hình sử dụng nước cho cây cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh. Qua khảo sát năng suất, nguồn nước tưới, lượng nước tưới, số lần tưới, phương pháp tưới của 100 nông hộ sản xuất cà phê giai đoạn kinh doanh ổn định ở các huyện Cư M’gar và Krông Búk, WASI đã đưa ra kết luận: với lượng nước tưới dưới 400 lít/cây/lần, năng suất cà phê có chiều hướng thấp nhất; lượng nước từ 401 – 600 lít/cây/lần và từ 601 – 800 lít/cây/lần cho năng suất cà phê tương đương nhau. Điều này chứng tỏ chỉ cần tưới lượng nước trung bình khoảng 500 lít/cây/lần là bảo đảm cho cà phê đạt năng suất trung bình 3,32 tấn nhân/ha, tương đương so với tưới lượng nước cao hơn.

Mùa tưới cà phê sẽ bắt đầu sau vụ thu hoạch vì vậy người dân cần chủ động lượng nước tưới ngay từ bây giờ. (Trong ảnh: Nông dân thị xã Buôn Hồ đang thu hoạch cà phê).
Mùa tưới cà phê sẽ bắt đầu sau vụ thu hoạch vì vậy người dân cần chủ động lượng nước tưới ngay từ bây giờ. (Trong ảnh: Nông dân thị xã Buôn Hồ đang thu hoạch cà phê).

Thực tế cho thấy, trong khi lượng nước ngầm đang đối mặt với nguy cơ suy giảm thì lượng nước mà người dân dùng để tưới cho cây cà phê lại quá mức cần thiết. Lượng nước tưới vượt quá yêu cầu của cây do tâm lý, nhận thức không đầy đủ về tài nguyên nước của người dân. Phần lớn người dân trồng cà phê đều cho rằng tưới càng nhiều nước càng tốt.

 
Việc tưới nước vừa phải, khoảng 500 – 530 lít/cây/lần đối với tưới gốc, 350 lít/cây/lần đối với tưới tiết kiệm sẽ góp  phần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và giảm chi phí giá thành so với tưới lượng nước cao hơn 600 lít/cây/lần mà người dân đang tưới hiện nay
 

Tiến sĩ Trương Hồng

 

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Viện trưởng WASI để bảo đảm được lượng nước tưới cho cây cà phê vào mùa khô và hạn chế tình trạng cạn kiệt tài nguyên nước, người dân cần tuân thủ theo 3 lời khuyên từ WASI. Vấn đề đầu tiên là xác định đúng thời điểm tưới. Khi quan sát bằng mắt thường thấy hoa cà phê đã phân hóa đầy đủ, nụ hoa nhú lên từ 1-1,5cm có màu trắng sữa hoặc trắng đục, lá héo rũ hoặc khi máy đo độ ẩm gốc hiển thị dưới 27oc thì mới nên tưới lần đầu. Tiếp theo, người dân nên quan tâm đến chu kỳ tưới, mỗi lần tưới nên cách nhau từ 30-40 ngày (nếu có cây che bóng) và từ 25-30 ngày (nếu không có cây che bóng). Biện pháp cuối cùng và là biện pháp căn cơ nhất để duy trì nguồn nước bền vững đó là trồng cây che bóng cho cây cà phê.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam với hơn 203 nghìn héc-ta, chiếm trên 40% diện tích cà phê ở Tây Nguyên và 33% diện tích cà phê cả nước. Để sản xuất cà phê bền vững thì một trong những giải pháp kỹ thuật canh tác cần phải đặc biệt quan tâm là vấn đề sử dụng nước tưới. Tiến sĩ Trương Hồng khuyến cáo, để việc canh tác cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao thì việc tưới tiêu trong thời gian sau vụ thu hoạch, đặc biệt là từ tháng 1 đến tháng 4 là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, để hạn chế việc đối mặt với vấn đề cạn kiệt nước ngầm trầm trọng trong mùa khô thì ngay từ bây giờ người dân cần có những nhận thức đầy đủ về việc sử dụng nước tưới hợp lý và chủ động được nguồn nước. 

Khả Ngân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.