Multimedia Đọc Báo in

Cho vay ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội: Nan giải việc xử lý nợ xấu

09:31, 31/10/2016

Cho vay ủy thác qua các tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu Chiến binh đã góp phần không nhỏ trong việc mang nguồn vốn đến với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nợ xấu phát sinh qua “kênh” vốn này đang đặt ra những thách thức rất lớn cho việc bảo toàn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH).

Nhỏ mà...  không nhỏ

Theo số liệu của NHCSXH, tính đến nay, tổng dư nợ cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đạt trên  3.494 tỷ đồng, tăng gần 688 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 và tăng gần 221 tỷ đồng so với 31-12-2015. Đáng chú ý, nợ quá hạn đến nay đã lên đến trên 13 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,37%, tăng trên 1,6 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ quá hạn cho vay ủy thác qua Hội Nông dân trên 4,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,39% tổng dư nợ; Hội Phụ nữ gần 3,7 tỷ đồng (0,32%), Hội Cựu chiến binh gần 2,1 tỷ đồng (0,37%) và Đoàn Thanh niên gần 2,4 tỷ đồng (0,43%). Mặc dù số nợ quá hạn không lớn so với tổng dư nợ, nhưng nếu so với “ngưỡng an toàn” theo quy định thì đây là con số đáng quan ngại. Hơn thế, khi phân tích những khoản nợ này đã cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn không chỉ có ở vùng kinh tế khó khăn mà trải đều ở cả đô thị và nông thôn. Thậm chí ở những vùng đô thị, nợ xấu lại đang có xu hướng tăng mạnh. Chẳng hạn, cho vay ủy thác qua Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột có những xã phường có tỷ lệ nợ quá hạn tăng rất cao so với cuối năm 2015 như phường Thống Nhất tăng đến 11,95%, phường Thắng Lợi tăng 8,22%, phường Thành Công tăng  1,7%; thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) tăng 1,86%, thị trấn Phước An (Krông Pắc) tăng 0,7%... Trong khi đó, nhóm lĩnh vực phát sinh nợ quá hạn chủ yếu tập trung vào cho vay hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên. Đây là những nhóm đối tượng chính của NHCSXH, chiếm tỷ trọng cao trong doanh số cho vay các chương trình (cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 38,15%; cho vay hộ cận nghèo 18,39%; cho vay học sinh, sinh viên 3,8%).

 
Để “vướng” vào nợ quá hạn đa phần là do người vay có hoàn cảnh quá khó khăn, nên việc thu nợ phải thật khéo léo. Cùng với đôn đốc thu nợ, cán bộ NHCSXH và các tổ chức đoàn thể phải lưu ý đến việc giúp người vay vốn tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế địa phương
 

Giám đốc NHCSXH 

Nguyễn Tử Ân

Cần có giải pháp đồng bộ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vốn vay không phát huy hiệu quả như mong muốn hoặc học sinh, sinh viên khi học xong không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp và không ổn định nên không có khả năng trả nợ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Pil (M’Đrắk) Đinh Minh Chiểm cho biết, trên địa bàn xã này chỉ có 2 hộ nợ quá hạn đã gần 2 năm. Mặc dù số tiền nợ chỉ hơn 35 triệu đồng, nhưng hai hộ gia đình này lại quá khó khăn nên chưa thể trả nợ được. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar Dương Văn Thừa cho hay, nợ quá hạn trên địa bàn huyện lại tập trung vào chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Mặc dù các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp đã thực hiện các biện pháp giám sát vốn vay, nhưng rất nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện khi ra trường không thể tìm được việc làm như mong muốn nên gia đình cũng không thể trả nợ cho NHCSXH được. Ông Dương Văn Thừa cho biết thêm, bên cạnh những đối tượng quá khó khăn, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện trả nợ, nhưng vẫn cố tình chây ỳ cũng đang là hiện tượng phổ biến tại huyện Ea Kar.

Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Tử Ân, nợ quá hạn đang thực sự làm “đau đầu” các nhà quản lý nguồn vốn này. Giải pháp trước mắt là rà soát phân loại đối tượng đang có nợ quá hạn. Đối với những hộ quá khó khăn thì tiếp tục hỗ trợ để vốn vay của họ phát huy hiệu quả; những hộ có điều kiện nhưng chưa trả nợ, các cấp hội cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để họ hoàn trả tiền vay. Đối với các đối tượng cố tình chây ỳ phải kiên quyết thu nợ, nhưng phải mềm dẻo, đúng pháp luật. Song song đó, cần có giải pháp để không phát sinh thêm nợ quá hạn. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.