Multimedia Đọc Báo in

HÀNH TRÌNH DI SẢN

Xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù

08:49, 01/11/2016

Trong những năm qua, với việc xây dựng các tour về cà phê kết hợp với văn hóa voi và cồng chiêng, ngành du lịch của tỉnh đang từng bước làm mới mình, tiến tới xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch đặc thù.

Từ năm 2008 đến nay, các tour du lịch cà phê đã được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khảo sát, xây dựng đưa vào khai thác và phát huy vào các dịp lễ hội, nhất là Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Tuy nhiên, những tour du lịch gắn với cà phê vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.

Tham quan tìm hiểu hoạt động chế biến cà phê là một trong những trải nghiệm thú vị của tour du lịch cà phê.
Tham quan tìm hiểu hoạt động chế biến cà phê là một trong những trải nghiệm thú vị của tour du lịch cà phê.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân chủ yếu là do công tác xây dựng tour tuyến liên quan đến cà phê chưa được các DN thực sự chú trọng, các chương trình tour còn chung chung chưa thể hiện được nét đặc thù của sản phẩm nên chưa mang lại sự trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Bên cạnh đó, công tác quảng bá về các chương trình du lịch cà phê còn chậm, chưa rộng rãi, thông tin còn ít, thiếu sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch và đơn vị trồng, sản xuất, chế biến của địa phương. Chính vì vậy, trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015, du lịch với cà phê chỉ thu hút khoảng 500 du khách. Con số đó còn quá khiêm tốn so với hàng ngàn du khách đến Buôn Ma Thuột trong dịp lễ hội này.

 Tiếp tục khai thác thế mạnh này một cách bài bản, quy mô hơn trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI năm 2017 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình “Hành trình di sản” với nhiều nội dung phong phú như: thiết kế các tour du lịch gắn với tham quan tìm hiểu việc trồng, sản xuất và pha chế cà phê tại Đắk Lắk; tìm hiểu các giá trị văn hóa cồng chiêng tại các buôn khu vực Tây Nguyên; tổ chức sáng tác, tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật…

Du lịch với cà phê có nhiều sản phẩm như: tham quan vườn ươm, trải nghiệm chăm sóc cà phê, ngắm vườn cà phê đang mùa bung hoa, vào vụ thu hoạch; tìm hiểu quy trình rang, xay chế biến cà phê; thưởng thức cà phê với không gian đậm chất Tây Nguyên… Tuy mang đến nhiều trải nghiệm, cảm xúc mới mẻ cho khách nhưng đây là loại hình du lịch khá kén khách. Để thực sự hấp dẫn du khách không chỉ trong lễ hội mà còn trở thành tour đặc thù của du lịch Đắk Lắk, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng với các DN lữ hành tiến hành khảo sát một số điểm dự kiến đưa vào kết nối trong tour như: Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam; Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH Cà phê Ngon, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên... Qua đó, các bên nắm bắt nhu cầu cũng như khả năng kết nối để xây dựng tour chặt chẽ, hợp lý hơn.

Có thể thấy, với việc các đơn vị tích cực triển khai khảo sát, xây dựng tour du lịch, kết nối với tuyến du lịch của các tỉnh khác; xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, tạo ra được nét khác biệt, độc đáo, chương trình Hành trình di sản sẽ hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm về  giá trị văn hóa, lịch sử liên quan mật thiết đến cà phê và cồng chiêng Tây Nguyên.       

Hành trình di sản được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, hình ảnh du lịch Đắk Lắk, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch hiện có của tỉnh, để du lịch cà phê trở thành một lợi thế cạnh tranh như các tour tham quan nhà vườn của Huế, hay làng rau, hoa Đà Lạt trong mỗi kỳ Festival mở ra, đồng thời tạo sức hút nội tại mạnh mẽ để phát triển du lịch của địa phương, hướng tới mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị cho loại cây trồng này.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.