Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho vấn đề thiếu nước tưới trong mùa khô?

07:04, 05/03/2016
Trong những năm gần đây, các loại cây trồng ở tỉnh luôn phải đối mặt với vấn đề khan hiếm nước tưới, nhất là vào mùa khô nên vụ sản xuất nào cũng có hàng nghìn ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn.
 
Mới đầu mùa khô năm 2016, nhưng theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Đắk Lắk, dòng chảy các sông suối chỉ đạt 50-60% so với cùng kỳ năm 2015; các suối trên địa bàn các khu vực như Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar đã bị cạn kiệt không còn dòng chảy khi đồng loạt các vùng triển khai bơm tưới cà phê. Lượng nước ngầm ở hầu hết các vùng cũng giảm nhanh, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3-6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn. Riêng các công trình thủy lợi, mực nước cũng đang giảm, theo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk, sau 2 tháng phục vụ tưới, mực nước ở các công trình đã giảm mạnh, trong số 432 hồ chứa, hiện chỉ có 65 hồ đạt mực nước dâng bình thường, 116 hồ đạt từ 70-90%, 142 hồ đạt từ 50-70%, 80 hồ dưới 50% và 30 hồ đã cạn đáy. Trong khi đó, vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có khoảng 273.000 ha cây trồng cần nước tưới, trong đó cây ngắn ngày 46.000 ha, cây công nghiệp dài ngày 226.000 ha. Hiện nay, đối với cây lúa nước thì cơ bản đang bảo đảm nguồn nước tưới, riêng diện tích cây công nghiệp dài ngày đang gặp khó khăn khi người dân vừa tưới vừa phải chờ nước do nguồn nước bắt đầu cạn kiệt. Với tình hình này, dự kiến đến cuối tháng 3-2016, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt và công tác chống hạn sẽ gặp nhiều khó khăn do không có nguồn nước.
 
Từ thực trạng trên, vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là đối với các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Tây nguyên có mùa khô kéo dài, tưới nước là biện pháp kỹ thuật có ảnh hưởng đến năng suất, tuy nhiên, nguồn nước ngày càng khó khăn, mất cân bằng với nhu cầu tưới, do vậy, người nông dân  không chỉ thực hiện kỹ thuật tưới mà còn phải ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để nâng cao hiệu quả. Hiện đang có rất nhiều công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, trong đó Viện WASI cũng đã thử nghiệm thành công công nghệ tưới tiên tiến này trên cây cà phê, nhưng trên thực tế đa số người trồng cà phê chưa biết đến hoặc chưa áp dụng, họ vẫn đang tưới nước theo phương pháp tưới ống hoặc tưới béc… gây lãng phí nước nghiêm trọng. Do đó, cần xây dựng nhiều mô hình tưới đối chứng để người dân tham quan, tìm hiểu, nếu thấy công nghệ này hiệu quả thì chắc chắn họ sẽ đầu tư. Điều quan trọng bây giờ là nhận thức và kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục người dân hơn bất cứ lời quảng cáo nào, bởi thực tế cũng đã có những công nghệ tưới đưa vào sử dụng nhưng không hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ tưới. Hiện Viện WASI đang tổ chức tư vấn miễn phí cho nông dân về công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây cà phê và sẽ chuyển giao công nghệ này cho doanh nghiệp nào có nhu cầu để tổ chức sản xuất đồng bộ hệ thống, được như vậy thì giá thành sẽ thấp hơn so với việc người dân phải đi mua lẻ từng thứ phụ kiện về lắp đặt…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.