Multimedia Đọc Báo in

Để phát huy tốt vai trò đội ngũ khuyến nông viên ở cơ sở

08:54, 04/03/2016
Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41/2011/NQ-HĐND, ngày 22-12-2011 của HĐND tỉnh về xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Đắk Lắk (Nghị quyết 41), đến nay toàn tỉnh đã tuyển dụng được 210 khuyến nông viên cấp xã, 2.010 cộng tác viên khuyến nông thôn/buôn.
 
Lực lượng khuyến nông cơ sở là cầu nối giữa cơ quan Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân; đã góp phần quan trọng trong việc triển khai tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn cho nông dân tham quan học tập, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương.
Khuyến nông viên cơ sở tham quan khu huấn luyện chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)
Khuyến nông viên cơ sở tham quan khu huấn luyện chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Hằng năm, mạng lưới khuyến nông viên cơ sở được đào tạo và huấn luyện theo các nội dung như kỹ năng, nghiệp vụ khuyến nông, kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thông tin thị trường, quản lý kinh tế hộ, trang trại… Đa số khuyến nông viên xã đã nắm bắt kỹ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mình quản lý để hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi phù hợp áp dụng có hiệu quả vào sản xuất; trực tiếp nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho UBND xã, trạm khuyến nông huyện xây dựng kế hoạch khuyến nông trên địa bàn huyện sát với tình hình thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng hệ thống khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế:  kinh phí đào tạo khuyến nông viên cấp xã và cộng tác viên khuyến nông thôn/buôn thiếu; chất lượng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở có trình độ chuyên môn, năng lực không đồng đều, đặc biệt là cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn không có bằng cấp chuyên môn; số lượng khuyến nông viên biến động khiến công tác tuyển chọn, đào tạo người thay thế gặp khó khăn; hoạt động của khuyến nông viên cơ sở chủ yếu là phối hợp, chưa tự tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động hằng năm…

Thiết nghĩ, để thuận lợi trong việc chỉ đạo chuyên môn của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và trạm khuyến nông dễ triển khai nhiệm vụ chuyên môn, hạn chế thay đổi, xáo trộn khuyến nông viên trong hệ thống và giảm chi phí đào tạo, cần có sự thống nhất chung trong quản lý, sử dụng hệ thống này là giao cho trạm khuyến nông cấp huyện quản lý, sử dụng và chi trả phụ cấp cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Bên cạnh đó, để tăng trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc, mức phụ cấp cho khuyến nông viên xã cần được chi trả lương theo bằng cấp, theo ngạch bậc (biên chế) thay vì chi trả phụ cấp theo hệ số 1 mức lương tối thiểu như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các hoạt động khuyến nông, nhất là việc đầu tư cho các thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn.

 Ái Liên 


Ý kiến bạn đọc