Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ vệ sinh môi trường: Cần cơ chế để phát triển

09:46, 24/06/2016

Trong những năm qua, việc dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ra đời tại các địa phương đã góp phần cải thiện bộ mặt vùng nông thôn; đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường.

Hiệu quả từ những mô hình thu gom rác thải

Về xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), điều dễ nhận thấy hiện nay là những con đường làng, ngõ xóm đã thông thoáng, sạch đẹp; trên những đoạn đường vắng người qua lại, những bãi đất trống ven đường không còn tái hiện cảnh ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi như trước đây. Có được điều này ngoài sự chung tay góp sức của các cấp, ngành phải nói đến sự thay đổi về nhận thức của đông đảo người dân. Được biết, năm 2012, thôn 3 là đơn vị đầu tiên của xã đứng ra thành lập tổ thu gom rác thải với sự tham gia hưởng ứng của 100% hộ dân trong thôn. Chỉ với chiếc xe máy cày cải tiến và 2 lao động, rác thải của hơn 320 hộ dân trong thôn được thu gom đều đặn hàng tuần vào ngày thứ 7. Kinh phí hoạt động của tổ thu gom rác được xã hội hóa từ nguồn đóng góp của người dân; cụ thể với mức phí vệ sinh môi trường là 15.000 đồng/tháng/hộ, riêng những hộ nghèo chỉ phải đóng 10.000 đồng/tháng… Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cho biết: “Từ khi mô hình tổ thu gom rác thải thôn 3 đi vào hoạt động và đạt hiệu quả tốt, đến nay tất cả 9/9 thôn, buôn của xã cũng đã thành lập tổ thu gom. Nhờ đó, tình trạng người dân vứt rác thải tràn lan ra môi trường đã được cải thiện rõ rệt, ý thức chấp hành về vệ sinh môi trường của người dân đã có chuyển biến tích cực; đặc biệt là trong việc tập kết rác theo đúng giờ, nơi quy định”.

Người dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar thu gom rác thải trên địa bàn xã.
Người dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar thu gom rác thải trên địa bàn xã.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Hữu Hùng, thôn 8, xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) thường thu gom rác thải sinh hoạt và sản xuất để chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng xử lý như gia đình anh Hùng mà có hộ thường xuyên xả thải ra môi trường, nhất là những nơi công cộng. Nhưng những năm trở lại đây, khi mô hình thu gom rác thải đi vào hoạt động, người dân ai cũng ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh chung nên đều đăng ký dịch vụ thu gom rác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trung bình mỗi tuần, tổ thu gom rác thải xã Cư Bao tiến hành thu gom rác 3 ngày, mỗi ngày thực hiện ở 4 thôn, buôn rồi tập kết về bãi rác của xã để xử lý. “Với mô hình thu gom rác thải ở khu vực nông thôn, tôi thấy hiệu quả đem lại rất tốt, không những đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ mà người dân ai cũng đồng tình hưởng ứng. Trên hết phải nói đến sự nhiệt tình, tích cực của các thành viên trực tiếp đi thu gom rác bởi họ không quản mưa nắng mà làm việc rất đúng giờ”.

Có thể nói, với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của mô hình thu gom rác thải sinh hoạt không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm của cả cộng đồng.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển   

Việc thành lập các mô hình dịch vụ thu gom rác thải đã góp phần trong việc cải thiện môi trường vùng nông thôn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ này còn đang ở quy mô nhỏ, lẻ, thiếu sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, nguồn nhân lực.  Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy (năm 2015), toàn tỉnh có 17 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chỉ mới có 27/151 xã có tổ chức dịch vụ này; trong khi đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 442 tấn chất thải ra môi trường.

Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).
Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).

Đơn cử như ở huyện Ea Súp, đối với các xã, để thành lập được tổ thu gom rác thải là một vấn đề nan giải bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, phải kể đến vấn đề nhận thức của người dân địa phương. Do đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên đối với họ việc thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Hay như ở huyện Krông Bông, theo đề án xây dựng nông thôn mới của hầu hết các xã đều đã quy hoạch các khu tập kết xử lý rác thải, tuy nhiên, đến nay ngoài thị trấn Krông Kmar và xã Khuê Ngọc Điền ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Hoàng Phương Nam, thì chỉ mới có 4 xã triển khai việc thu gom rác thải (gồm xã Hòa Sơn, Yang Reh, Hòa Thành và Yang Mao). Ở các địa phương này cũng chỉ có thể thu gom rác thải ở khu vực trung tâm xã và các hộ sinh sống dọc hai bên đường liên xã chứ các thôn, buôn xa trung tâm vẫn chưa thực hiện được…

Trước những thách thức trên, ngoài việc nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, đội ngũ công nhân, nhân viên làm dịch vụ đòi hỏi cần phải có cơ chế phù hợp để phát triển thành lập dịch vụ thu gom rác thải. Cụ thể, tăng cường việc huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia góp vốn; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.