Multimedia Đọc Báo in

Ruồi "tấn công" khu dân cư

08:45, 22/06/2016
Gần 1 tháng nay, cuộc sống của người dân buôn Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) bị đảo lộn vì ruồi xuất hiện dày đặc trong khu vực này. 
 
Hơn 10 ngày nay, quán bún của chị Nguyễn Thị Kim Ánh đóng cửa im ỉm. Lý do đóng cửa không phải vì không có khách đến ăn, mà vì ruồi đã “đuổi” dần khách hàng của chị. “Chú cứ nghĩ thử xem, không vắng khách sao được khi mà khách mới ngồi vào bàn ruồi đã bâu kín từ đầu đến chân, gọi tô bún chưa kịp ăn thì ruồi đã đậu vào trong đó. Nhiều khách lạ vào gọi tô bún xong thấy ruồi nhiều quá, kêu tính tiền rồi bỏ luôn tô bún. Khách ghé quán ngày càng ít, không nghỉ bán thì chỉ có lỗ”, chị Ánh tâm sự. Cũng theo lời chị, vào mỗi buổi sáng khi còn bán bún, chị phải dùng 20 vỉ keo để dính ruồi mà vẫn không đủ. Mỗi vỉ có giá 1 ngàn đồng, tính ra buổi sáng chị cũng phải tốn 20 ngàn “cho” ruồi.
Một vỉ keo dày đặc ruồi trong gia đình anh Trần Văn Hòa ở buôn Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar).
Một vỉ keo dày đặc ruồi trong gia đình anh Trần Văn Hòa ở buôn Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar).

Không riêng gì quán ăn của chị, mà khoảng 150 hộ với gần 1.000 nhân khẩu của buôn Sút M’grư cũng đang chịu nỗi khổ vì ruồi. Anh Trần Văn Hòa, chủ một cửa hiệu cắt tóc cũng không giấu nổi bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: “Cứ mỗi bữa cơm là ruồi lại vào bâu kín lấy thức ăn rất mất vệ sinh. Lo lắng  nhất  vẫn là tụi nhỏ, sợ chúng ăn phải thức ăn ruồi bâu vào mang mầm bệnh như tiêu chảy, lị thì rất nguy hiểm”. Theo những người dân sống ở đây, đây không phải là năm đầu tiên tình trạng này xuất hiện, mà đã gần chục năm nay rồi, cứ đến đầu mùa mưa là ruồi không biết từ đâu bay về “tấn công” người dân. Bà con rất mong muốn chính quyền địa phương tìm ra nguyên nhân và giải quyết dứt điểm tình trạng này. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho biết, tình trạng ruồi xuất hiện ở khu vực này đã diễn ra nhiều năm nay, chủ yếu là vào thời điểm bắt đầu vào mùa mưa. Nguyên nhân ruồi xuất hiện dày đặc như vậy chủ yếu xuất phát từ các trại nuôi gà trên địa bàn. Hiện nay xã có 25 trại chăn nuôi gà của 18 hộ, trong đó phần lớn trại gà tập trung ở địa bàn buôn Sút M’grư. Đặc biệt, các trại gà này nằm gần khu dân cư, cá biệt có trại chỉ cách khoảng 300 m. Do đó, khi những trại gà không bảo đảm vệ sinh sẽ trở thành địa điểm phát sinh của ruồi. Mới đây, UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện cũng đã kiểm tra việc chấp hành vệ sinh chuồng trại ở các trại gà; nhiều trại chấp hành tốt vấn đề vệ sinh, nhưng cũng có một số trại không chấp hành đầy đủ dẫn đến việc phát sinh ruồi. Đoàn đã tiến hành nhắc nhở và yêu cầu các chủ trại xử lý chuồng trại để bảo đảm vệ sinh, đến nay, ruồi đã giảm đi rất nhiều. Cũng theo ông Hoan, UBND xã đã mời các hộ nuôi gà trên địa bàn lên làm việc về công tác đảm bảo vệ sinh, và đề nghị họ lên kế hoạch tìm địa điểm mới để di dời trang trại theo quy định của ngành chăn nuôi. Ngoài ra xã cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện xem xét cơ chế hỗ trợ, lộ trình để di dời các trang trại chăn nuôi gần khu dân cư.
 
Vạn Tiếp

Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.