Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng

10:42, 02/08/2020
Tại những nơi cách xa cơ sở y tế, bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh là hai đối tượng dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
 
Nhận thấy nguy cơ này, Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tỉnh đã thành lập 4 đội chuyển tuyến tại một số thôn, buôn vùng sâu, vùng xa của hai huyện Lắk và Krông Bông nhằm kịp thời hỗ trợ y tế, sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến an toàn cho những trường hợp cần cấp cứu. Sau gần 9 tháng triển khai, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. 
 
Thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cách Trạm Y tế xã Cư Pui khoảng 10 km, dân số hầu hết là người dân tộc Hmông di cư từ vùng núi phía Bắc vào, đời sống rất khó khăn. Người dân ở đây vẫn duy trì thói quen sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và ngành y tế huyện Krông Bông đã tăng cường truyền thông, vận động phụ nữ sinh con tại trạm y tế.
 
Đồng thời, tháng 10-2019 Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tỉnh đã hỗ trợ kinh phí thành lập đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng với mục đích kịp thời hỗ trợ y tế cho những trường hợp bà mẹ, trẻ sơ sinh cần cấp cứu tại thôn, chuyển bệnh nhân đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế khác an toàn. Đội chuyển tuyến thôn Ea Uôl có 8 thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm trong thôn như trưởng thôn, phó thôn, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên… tham gia trên tinh thần tự nguyện, không có bất kỳ khoản thù lao hay kinh phí hỗ trợ nào.
 
Sau khi thành lập, đội chuyển tuyến đã được tập huấn về kỹ năng và năng lực sơ cứu, cấp cứu, chuyển tuyến an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các thành viên của đội luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24 giờ hỗ trợ y tế cho bà con trong thôn bất kể khi nào họ cần.
 
Đội chuyển tuyến buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin, huyện Lắk) diễn tập vận chuyển bà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ đến trạm y tế.  Ảnh: Quang Nhật
Đội chuyển tuyến buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin, huyện Lắk) diễn tập vận chuyển bà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ đến trạm y tế. Ảnh: Quang Nhật
Ngoài nhiệm vụ chuyển tuyến, các thành viên trong đội còn đảm nhiệm vai trò là các truyền thông viên thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, tư vấn các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ khi thành lập đến nay, đội chuyển tuyến thôn Ea Uôl đã chuyển tuyến an toàn cho 8 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Nhờ đó, bà con rất tin tưởng và ủng hộ, đồng hành cùng hoạt động này. Nhiều gia đình đã tự nguyện đóng góp khoản quỹ để hỗ trợ hoạt động của đội. 
 
Từ hiệu quả của các đội chuyển tuyến, các huyện Krông Bông và Lắk dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đội chuyển tuyến đến nhiều thôn, buôn khác.

Tương tự tại huyện Lắk đã có hai đội chuyển tuyến, mỗi đội có 6 thành viên được thành lập tại hai buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin) và buôn Lách Ló (xã Nam Ka). Đây là hai buôn cách trở, đường sá đi lại rất khó khăn, xa cơ sở y tế, đời sống người dân còn nghèo nàn, tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Những trường hợp đẻ tại nhà dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh do không được chăm sóc, sơ cứu và chuyển tuyến đúng cách vẫn còn xảy ra. 

Sau khi thành lập, ngoài việc được tập huấn, trang bị kỹ năng về sơ cứu, cấp cứu, hai đội chuyển tuyến của huyện Lắk còn được trang bị những dụng cụ cần thiết để vận chuyển bệnh nhân, như: võng lưới, cáng cứu thương, tấm nilon che mưa, đèn pin, nhiệt kế, quần áo siêu bền, ủng. Mỗi đội chuyển tuyến còn được Dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sinh tỉnh hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng, mỗi hộ dân của hai buôn tình nguyện đóng 80.000 đồng/năm để làm quỹ hoạt động. Số tiền này chủ yếu dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vay để thanh toán viện phí. Từ tháng 10-2019 đến nay, hai đội chuyển tuyến ở huyện Lắk đã chuyển tuyến an toàn đến trạm y tế 11 trường hợp.
 
Thu Huế - Mỹ Hạnh 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.