Multimedia Đọc Báo in

Đừng để khói thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em

08:17, 10/03/2017

Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu của cây thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào cũng gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhất là trẻ em.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động. Riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do  các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nước ta cũng là một trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, tỷ lệ người không hút thuốc lá nhưng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá là gần 60% ở nhà, hơn 60% ở nơi làm việc và hơn 85% ở các quán cà phê, quán nhậu… Hai phần ba trẻ em và phụ nữ phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá .

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thói quen hút thuốc lá của người lớn. Đánh giá về thực trạng hút thuốc và hút thuốc thụ động trong thanh thiếu niên và trẻ em Việt Nam, tổ chức HealthBridge cho biết: ở Việt Nam có tới 60-80% trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi hít phải khói thuốc lá, trong đó vùng Đông Nam Bộ tỉ lệ này là 80%. Chất độc trong khói thuốc có thể bám vào tóc, quần áo của người hút và bám vào các bề mặt đồ đạc trong nhà, bao gồm cả thảm và ghế với thời gian rất lâu sau khi khói thuốc ngừng nhả. Trẻ có thể tiếp xúc với những đồ vật này khi chơi, bò,  hay ôm ấp người hút thuốc.

Bác sĩ, chuyên khoa I Bùi Văn Hinh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết:  “Việc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá có thể làm trẻ mắc các bệnh viêm tai giữa, viêm màng não và viêm não mô cầu, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, giảm trí nhớ, hay quấy khóc, hội chứng đột tử trẻ sơ sinh…”. Bác sĩ Hinh cũng giải thích thêm: “Về bệnh đường hô hấp, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi… làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi. Những trẻ em sống trong môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng và bị cúm nhiều hơn những đứa trẻ sống trong môi trường không có khói thuốc. Những trẻ tiếp xúc khói thuốc cũng có tỷ lệ nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn. Ngoài ra, sống trong môi trường có khói thuốc lá trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, giảm khả năng tiếp thu bài học”.

Cháu Trương Bảo Quyên (5 tuổi), phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột kể: “Cháu ghét mùi thuốc lá, mỗi lần ba cháu hút thuốc lá cháu ngửi thấy mùi hôi xì. Lúc bế cháu mà hút thuốc lá, mùi thuốc còn dính cả vào tóc cháu”. Chị Tuyết, mẹ cháu Quyên cũng tâm sự: “Cháu hay bị các bệnh về đường hô hấp, ngày nhỏ thường phải điều trị trong bệnh viện. Ba cháu vô tư hút thuốc trong nhà, hút ngay cả khi chơi với con”.

Bác sĩ Bùi Văn Hinh nhấn mạnh, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ khỏi khói thuốc lá, mọi người trong gia đình nên nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong lành bằng việc kiên quyết không hút thuốc lá; giáo dục trẻ vị thành niên không hút thuốc lá. Đối với người hút thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia