Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 ở cụm địa phương: Thành công tốt đẹp

10:58, 05/07/2016

Thành công lớn nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 ở cụm địa phương trên địa bàn tỉnh là không có trường hợp thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế, không có sự cố bất thường xảy ra.

Kết quả trên cho thấy, kỳ thi 2 chung đã được chuẩn bị chu đáo, triển khai chặt chẽ, công tác tổ chức thi và coi thi nghiêm túc, an toàn. Và điều quan trọng hơn, cách thức tổ chức thi đã được đông đảo thí sinh và phụ huynh đồng tình ủng hộ.

21
Thí sinh điểm thi THPT Buôn Ma Thuột xem lại bài sau buổi thi môn Toán

Trao đổi với các thí sinh tại nhiều điểm thi của cụm địa phương, chúng tôi nhận thấy các em đã có sự cân nhắc, suy tính kỹ lưỡng khi chọn thi xét tốt nghiệp và tìm kiếm các cơ hội lập thân, lập nghiệp phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực bản thân. Mặc dù điểm tổng kết năm lớp 12 đạt 7,3 và có khả năng thi để xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng em Trần Thị Minh Thủy, học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Cư M’gar) vẫn quyết định chọn phương án thi xét tốt nghiệp. Thủy cho biết: “Trước khi chọn cụm thi, em và gia đình đã tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn du học sinh Nhật Bản theo chương trình vừa học vừa làm. Sau khi có kết quả tốt nghiệp, em sẽ lên TP. Buôn Ma Thuột học tiếng Nhật. Nếu đáp ứng được các điều kiện cần thiết, em sẽ được chọn trường đại học tại Nhật Bản. Khi đi học, sinh viên sẽ được nhà trường giới thiệu những công việc làm thêm ngoài giờ phù hợp để có kinh phí trang trải việc học. Em sẽ cố gắng theo đuổi mục tiêu này để có cơ hội việc làm tốt hơn”.

Không riêng gì Thủy, nhiều thí sinh cũng đã tìm hiểu và xác định rõ con đường tương lai của mình. Chứng kiến cảnh bố mẹ suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên em H’Gòa Knul, học sinh Trường THPT Việt Đức (huyện Cư Kuin) đã nỗ lực học tập để sau này có cơ hội tìm kiếm một công việc khác. Tuy yêu thích nghề y nhưng biết mình không có khả năng thi xét tuyển đại học, H’Gòa đã dồn sức học các môn Toán, Hóa, Sinh và chọn thi ở cụm địa phương nhằm đủ điều kiện xét vào Trường Trung cấp Y Đắk Lắk. “Em nghĩ rằng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp có ý nghĩa quyết định thành công của mỗi người. Em sẽ cố gắng theo đuổi ước mơ trở thành nữ hộ sinh và học liên thông cao hơn khi có cơ hội”, H’Gòa chi sẻ.

21
Phụ huynh trao đổi về định hướng nghề nghiệp cho con trong lúc ngồi đợi ngoài điểm thi THPT Cư Mgar

Không chỉ các thí sinh mà nhiều phụ huynh cũng đã tìm hiểu kỹ thông tin về kỳ thi 2 chung và xu hướng nghề nghiệp hiện nay để có thể tư vấn, định hướng kịp thời cho con em mình. Ông Ama Khin (buôn Yông, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) cho hay: “Tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi cũng đã cố gắng nuôi 4 con học hết THPT, trong đó 2 đứa đã học xong cao đẳng sư phạm và trung cấp y. Trước khi con gái út là H’Yêng Niê thi cuối cấp, gia đình đã tìm hiểu và biết nguyện vọng của cháu cũng thích ngành y nên đã định hướng cho con chọn trường trung cấp nhằm phù hợp với năng lực. Với việc các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng, tôi tin rằng cháu sẽ tìm được việc làm phù hợp khi học ngành này”.

Chị Lê Thị Thao (thôn 9, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đồng tình khi con chọn thi ở cụm địa phương. Bởi theo chị, sức học của con khó có khả năng vào đại học. Do vậy, chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp và đăng ký học nghề nấu ăn theo nguyện vọng của cháu là phù hợp. “Tôi rất đồng thuận với cách tổ chức thi 2 chung như thế này, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh và học sinh”, chị Thao bộc bạch.

Việc học sinh và phụ huynh ủng hộ kỳ thi 2 chung cho thấy Bộ Giáo dục – Đào tạo đang đi đúng hướng trong việc đổi mới cách thức thi, xét tuyển; đồng thời, phản ánh rõ nét công tác chuẩn bị, coi thi nghiêm túc, công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh kịp thời, hiệu quả. Thầy Nguyễn Vũ Quỳnh, giáo viên Trường Đại học Lạc Hồng, cán bộ giám sát tại điểm thi THPT Cư M’gar cho biết: “Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Trường Đại học Lạc Hồng có 29 cán bộ, giáo viên được phân công nhiệm vụ hỗ trợ, giám sát công tác coi thi tại cụm địa phương do Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chủ trì. Qua 4 ngày diễn ra kỳ thi, tôi nhận thấy công tác coi thi được thực hiện an toàn, nghiêm túc, kỷ luật phòng thi siết chặt, không có tình trạng “thả lỏng” cho thí sinh dù chỉ thi để xét tốt nghiệp”.

21
Cán bộ phụ trách điểm thi THPT Cư M'gar niêm phong bài thi môn Văn theo đúng quy định

Qua trao đổi với Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk được biết, rút kinh nghiệm từ kỳ thi 2 chung năm 2015, năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Hơn nữa, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuẩn bị cho các em về mặt tâm lý, tập trung trong quá trình học, ôn tập và chọn cụm thi phù hợp. Ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết: “Có thể khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia ở cụm địa phương đã thành công tốt đẹp. Để công tác chấm thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, căn cứ điều lệ và văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở đã huy động những giáo viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất. Ngay trong ngày 5-7, Hội đồng thi cụm địa phương sẽ họp, quán triệt quy chế, nêu các tình huống có thể gặp trong khi chấm thi và hướng xử lý, cố gắng hoàn thành việc chấm thi vào ngày 16-7, trước 4 ngày so với thời gian quy định của Bộ”.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc