Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

09:28, 25/05/2016

Trên địa bàn tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu mất cân bằng từ nhiều năm nay. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội…

Theo quy luật phát triển tự nhiên, tỷ số giới tính khi sinh được xem là bình thường khi dao động ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk, tỷ số giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015 đã vượt ngưỡng cho phép; cụ thể, năm 2013 tỷ số giới tính khi sinh là 110 bé trai/100 bé gái, năm 2014 là 108 bé trai/100 bé gái. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 33.595 em bé được sinh ra, trong đó có 17.640 bé trai, tỷ số giới tính khi sinh là 110,56 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra ở 11/15 huyện, thị xã, thành phố, một số địa phương có mức chênh lệch cao như: TP. Buôn Ma Thuột (118,6 bé trai/100 bé gái), huyện Cư Kuin (117,4 bé trai/100 bé gái), Ea H’leo (112,6 bé trai/100 bé gái)… Nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do sự bất bình đẳng giới còn diễn ra, tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cá nhân, gia đình và dòng họ; chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm chăm lo cho người già dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính.

Bên cạnh đó, sự tiến bộ của y học hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho phép nhiều cặp vợ chồng can thiệp để đáp ứng nhu cầu có con trai; việc phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa được thực hiện triệt để…

Theo các chuyên gia, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới, từ đó làm gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, mại dâm trẻ em, gia tăng tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục. Sự mất cân bằng giới tính còn làm thiếu hụt lao động trong những ngành nghề cần nhiều lao động nữ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội…

Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và hành vi từ trong gia đình nhằm làm thay đổi suy nghĩ lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”; thực hiện tốt bình đẳng giới; nâng cao chất lượng chế độ an sinh xã hội, trong đó chú trọng công tác chăm sóc và phụng dưỡng người cao tuổi… Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (trong đó có Nghị định số 176/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế)…  

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc