Multimedia Đọc Báo in

"Ma trận" thực phẩm bẩn (Kỳ cuối)

09:08, 25/05/2016

[links(left)]

Kỳ cuối:  Ai bảo vệ người tiêu dùng? (Tiếp theo và hết)

Sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại tràn lan trên thị trường được các cơ quan thông tin đại chúng trong nước “chỉ mặt đặt tên” trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi lo lắng! Ai sẽ bảo vệ cho người tiêu dùng?

Bất an với thực phẩm bẩn

Việc sử dụng hóa chất trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều NTD. Sau thông tin thịt heo có chất tạo nạc, sầu riêng nhúng hóa chất, dùng nhớt thải để tưới cho rau muống đến phát hiện hàng tấn thịt thối không rõ nguồn gốc đang trên đường “tuồn” về địa bàn tỉnh  để tiêu thụ đã dấy lên nhiều lo ngại cho NTD. Liên quan đến vấn đề này, đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra và phát hiện tại hộ sản xuất giá ăn của ông Nguyễn Thế Kh. (tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) có 9 kg hóa chất dạng bột, màu trắng được đựng trong túi ni lon không nhãn mác, xuất xứ. Đây là loại hóa chất được sử dụng để làm trắng giá đỗ, kích thích nảy mầm, không cho giá mọc rễ, được chủ hộ mua với giá bèo, chỉ 5.000 đồng/kg từ những người lạ mang đến bán tận nhà.

Thịt động vật không rõ nguồn gốc được Chi cục QLTT phát hiện, tạm giữ.
Thịt động vật không rõ nguồn gốc được Chi cục QLTT phát hiện, tạm giữ.

Kinh tế phát triển, những năm gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, quán ăn, đặc sản vùng, miền hầu như chẳng thiếu thứ gì. Phía thực khách thì vô tư ăn uống nhưng mấy ai dám chắc có được bao nhiêu phần trăm thực phẩm trong số đó bảo đảm vệ sinh an toàn(!) Đây quả là câu hỏi khó không chỉ với bản thân NTD mà ngay cả với cơ quan quản lý.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tình trạng phụ gia, gia vị thực phẩm được bày bán công khai mà  phần lớn chưa được kiểm soát về chất lượng đang là vấn đề nhức nhối. Việc kiểm tra, kiểm soát hầu như chỉ được thực hiện tại các đại lý, hộ kinh doanh cố định, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại chứ gần như vắng bóng tại các chợ truyền thống. Chính vì vậy nên tại các chợ, việc bày bán gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc diễn ra càng “vô tư” hơn…

Trên thực tế, việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng gia vị, phụ gia thực phẩm thuộc về trách nhiệm của ngành Công thương và Y tế, nhưng do một số quy định còn chồng chéo nên rất khó phân định được trách nhiệm quản lý cụ thể của từng ngành. Ông Trần Văn Tiết, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế ) khẳng định, việc thanh, kiểm tra được đơn vị này thực hiện định kỳ theo kế hoạch. Đối với cơ sở chỉ kinh doanh một mặt hàng phụ gia thực phẩm thì thuộc thẩm quyền kiểm tra của cơ quan y tế chuyên trách, còn những cơ sở kinh doanh tổng hợp (gồm nhiều ngành hàng) Chi cục lại không có thẩm quyền kiểm tra. Riêng tại các chợ, hầu hết tiểu thương đều kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng nên chỉ có QLTT mới có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát. Còn theo Chi cục QLTT tỉnh, về nguyên tắc, gia vị, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không được phép lưu thông trên thị trường nên nếu ai kinh doanh buôn bán là vi phạm. Nhưng phía cơ quan QLTT chỉ kiểm tra về nhãn mác, hóa đơn chứng từ cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chứ việc kiểm định về thành phần, chất lượng của những sản phẩm trên là việc làm không dễ.

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả từ việc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Phải chăng do hoạt động quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, hoặc các ngành liên quan chưa phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ (nếu không muốn nói là khá lỏng lẻo!). Do đó, rất cần một giải pháp đủ mạnh để sớm dẹp được vấn nạn trên. 

Ông Trần Văn Tiết khuyến cáo: gia vị, phụ gia nói chung có nguồn gốc, chất lượng bảo đảm được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng với liều lượng quy định, quan trọng hơn, trên bao bì mỗi sản phẩm này phải ghi rõ: “sử dụng cho thực phẩm”. Bởi nếu sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại cho phép sẽ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc hoặc hình thành nên các khối u, ung thư… Do đó, NTD cũng như các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống không nên lạm dụng.

 

 Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.