Multimedia Đọc Báo in

Những nghĩa cử từ trái tim

14:26, 24/02/2015

Thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ, tìm nguồn hỗ trợ sinh kế  cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam hay tích cực tuyên truyền, vận động bà con đóng góp xây dựng nông thôn mới… những nghĩa cử xuất phát từ trái tim của người cán bộ cơ sở đã góp phần sưởi ấm nhiều cảnh đời, phận người.

Tấm lòng vì nạn nhân chất độc da cam

“Những gia đình có nạn nhân chất độc da cam ở địa phương hầu hết là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Nhà ít thì có một nạn nhân, hộ nhiều thì hai đến ba trường hợp bị ảnh hưởng. Cô cứ xuống đi, tôi dẫn đến tận nơi mà tìm hiểu”. Những câu nói đó của ông Ngô Văn Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã giúp tôi hình dung và cảm nhận được phần nào công việc, tấm lòng của ông đối với những mảnh đời bất hạnh. 

Làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã kiêm Trưởng thôn 3 nhiều năm, ông Hùng thuộc nằm lòng hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật của 35 trường hợp bị ảnh hưởng chất độc da cam trên địa bàn. “Đứa thì bị khoèo chân, khoèo tay, liệt toàn thân, đứa lại bị bại não, động kinh… nên mỗi khi trái gió trở trời đều đau ốm, rơi vào tình trạng nguy kịch. Vì vậy, điện thoại của tôi luôn mở 24/24 giờ, hễ cứ nhận được cuộc gọi của gia đình nhờ hỗ trợ là tức tốc lên đường đưa các cháu đi cấp cứu”, ông Hùng chia sẻ. Thấu hiểu những khó khăn của gia đình các em và chứng kiến sự giày vò, đau đớn về thể xác của các nạn nhân, ông luôn tự nhủ phải làm điều gì đó giúp ích cho họ. Trong những năm qua, ông đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ tiền mặt, hiện vật để thăm hỏi, tặng quà, dụng cụ trợ giúp vận động, sửa chữa nhà ở cho các nạn nhân chất độc da cam. Không những vậy, ông còn tích cực “săn” những dự án hỗ trợ của tỉnh, huyện, làm tờ trình xin về cho các nạn nhân được hưởng lợi. Khi ông đến nhà thăm hỏi chị Lương Thị Cẩm Thanh ở thôn 4, chị xúc động: “Con bò Hội Chữ thập đỏ các cấp trao tặng dạo này lớn nhanh lắm. Gia đình em đang cố gắng chăm sóc tốt để nó đẻ thêm vài con bê, sau này có cái mà lo cho con”.

Ông đến bên giường, nơi có một cơ thể gầy guộc, vặn vẹo đang nằm, thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh vô nghĩa “Dạo này cháu ăn uống thế nào? Mùa này lạnh là hay đau lắm đó, biết hoàn cảnh nhà chị khó khăn nhưng hãy cố gắng chăm sóc cháu”, giọng ông nghèn nghẹn. Cháu Lê Công Thiện, con chị Thanh tuy bị bại não, nằm liệt một chỗ 20 năm nay, không nói được nhưng mỗi lần gặp ông, ánh mắt nó sáng hẳn lên, tỏ ra vui mừng như gặp người thân. Không chỉ có gia đình cháu Thiện mà những khi rảnh rỗi, ông lại tranh thủ ghé nhà các nạn nhân chất độc da cam thăm hỏi, động viên, hướng dẫn cách chăm sóc, tập luyện nên gần gũi, thân quen như người nhà. “Những gia đình có nạn nhân chất độc da cam đều nghèo khổ, mình giúp được gì thì giúp chỉ mong sao các cháu được chăm sóc tốt hơn, bớt đau đớn, vậy là vui rồi”, ông bộc bạch.

Gia đình chị Lương Thị Cẩm Thanh được Hội Chữ thập đỏ tặng bò để phát triển kinh tế.
Gia đình chị Lương Thị Cẩm Thanh được Hội Chữ thập đỏ tặng bò để phát triển kinh tế.

Giúp bà con ổn định cuộc sống

23 năm làm trưởng buôn Êrang (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), ông Y Soan Êban nắm rất rõ tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con. Toàn buôn có 166 hộ, trước đây, số hộ nghèo chiếm gần một nửa, bà con còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, sản xuất chủ yếu là độc canh cây lúa. Để đưa đời sống của người dân đi lên, trước hết phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Xác định điều đó, ông không quản ngại đường sá xa xôi, nắng mưa, lầy lội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm đến với bà con. Đồng thời, tranh thủ những buổi họp dân hay những hôm đi làm đổi công ở rẫy, ông đều nhỏ to, tỉ tê với bà con những câu chuyện thiết thực như cách nuôi dạy, hướng nghiệp cho con cái, giữ hòa khí gia đình, sinh đẻ có kế hoạch hay giới thiệu những mô hình làm kinh tế hiệu quả. “Mưa dầm thấm lâu” dần dà bà con cũng hiểu được cái bụng của ông, xem ông như người thân, thường xuyên trao đổi, bàn bạc nhiều việc lớn, nhỏ. 

Buôn Êrang có diện tích sản xuất nông nghiệp ít, chỉ có khoảng 16 ha đất trồng lúa. Tập quán sản xuất của bà con rất lạc hậu, hầu như “khoán trắng” cho trời nên năm được, năm mất, nghèo đói triền miên. Nắm rõ điều đó, một mặt ông cùng ban tự quản kiến nghị xây dựng kênh mương thủy lợi, mặt khác ông mạnh dạn ứng dụng những kiến thức đã học từ lớp Trung cấp Khuyến nông để giúp bà con xây dựng mô hình ruộng nước, “cầm tay chỉ việc” từ làm đất, chọn giống đến gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa đã tăng lên 8 tạ/sào, cao gấp 3 lần so với trước kia. Thành công với cây lúa đã giúp ông có thêm niềm tin để đưa chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đến với bà con, khuyến khích mọi người trồng xen canh, thâm canh thêm rau xanh, hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phá thế độc canh. Nhờ vậy, đời sống người dân dần được cải thiện, ổn định hơn trước. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, ông cùng ban tự quản buôn xây dựng các con đường tự quản giao cho từng đoàn thể quản lý, đồng thời vận động các hộ hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ hoa màu, đóng góp thêm tiền để cùng với Nhà nước mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa 3 km đường giao thông nội buôn từ 5m lên 8m. Sau 23 năm gắn bó với buôn làng trên cương vị là trưởng buôn, cái được và cũng là niềm vui lớn nhất đối với ông là số hộ nghèo đã giảm còn 13 hộ, nhiều tập tục lạc hậu đã được loại bỏ. Diện mạo của buôn làng ngày càng khởi sắc, nhiều nhà xây kiên cố đã mọc lên thay thế cho các ngôi nhà gỗ cũ, ọp ẹp trước kia. Nhiều hộ đã sắm sửa được các phương tiện sinh hoạt, sản xuất, con em đều được đến trường. 

Người trưởng thôn làm “dân vận khéo”

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng thênh thang, hai bên đều có  mương thoát nước, ông Ngô Văn Sơn, Trưởng thôn Mới (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) hồ hởi khoe: “Trước đây, mấy con đường nội thôn này chỉ là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội, rộng chừng 2 mét. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, 126 hộ dân trong thôn đều đồng lòng, nhất trí hiến đất, tự nguyện dỡ bỏ tường rào, hoa màu, đóng góp ngày công mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới”. Nghe ông nói tưởng chừng như mọi chuyện thật dễ dàng nhưng tìm hiểu kỹ mới biết đó là cả quá trình làm công tác “dân vận khéo” của chi bộ, Ban tự quản thôn, nhất là vai trò của một trưởng thôn, một giáo dân như ông. 

Qua rà soát, đánh giá, Ban tự quản thôn xác định, tiêu chí giao thông, vệ sinh môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những việc cần làm ngay trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhưng bài toán đặt ra là làm thế nào để người dân đồng thuận, cùng góp công sức, tiền của thực hiện chủ trương chung. Để gỡ khó, chi bộ, Ban tự quản, Ban phát triển thôn đã họp bàn biện pháp, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở được đặt lên hàng đầu. Không chỉ họp dân tuyên truyền chung, thảo luận cách làm, mức đóng góp, ông Sơn cùng những người có uy tín trong thôn còn lặn lội đến từng xóm, hộ gia đình để vận động, khéo léo lồng ghép Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” với xây dựng nông thôn mới, tranh thủ cả tiếng nói của cha xứ để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân. Không những vậy, gia đình ông gương mẫu tự nguyện chặt bỏ 1 hàng cà phê, di dời hàng rào vào 2,5m, với chiều dài 60m, đóng góp 2,4 triệu đồng và 20 công lao động để làm đường.

Cách làm trên đã động viên, khích lệ tinh thần tự nguyện của người dân. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, người dân thôn Mới đã tự nguyện hiến đất, chặt bỏ hoa màu, di dời hàng rào, đóng góp 600 triệu đồng và hàng trăm ngày công để bê tông hóa 3 con đường nội thôn có chiều dài hơn 1 km, mở thêm chiều rộng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Ông Sơn cho biết: “Sắp tới, người dân trong thôn sẽ tiếp tục đóng góp tiền, ngày công làm thêm 3 tuyến đường nội thôn nữa. Các hộ đều chỉnh trang lại nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm lo phát triển kinh tế. Cuối năm 2014, toàn thôn chỉ còn 2 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo, bà con ai cũng phấn khởi, tin tưởng, đồng lòng thực hiện chủ trương chung nên hy vọng chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương sẽ về đích đúng hẹn”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.