Multimedia Đọc Báo in

"Cao tốc" EVFTA: Cơ hội và thách thức

09:03, 14/08/2020
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) và được ví như "con đường cao tốc" cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của hai bên. Tuy nhiên, cơ hội mà “cao tốc" EVFTA đem lại cho Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng sẽ song hành cùng khó khăn và thách thức.
 
Cơ hội lớn đã mở
 
Sau 9 năm đàm phán, ngày 8-6-2020, EVFTA được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Đánh giá về cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nếu EVFTA được ví như “con đường cao tốc” cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì giờ đây Việt Nam đã tự tin, sẵn sàng “thông xe” cho các “phương tiện” trên con đường đó.
 
Các “phương tiện” này chính là các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt, hiệu quả hơn. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời là cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
 
Theo Bộ Tài chính, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
 
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
 
Các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch năm 2020 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Lắk.
Các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch năm 2020 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Lắk.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07 - 7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
 
Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Cùng với đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới. 
 
Không ít thách thức
 
Cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ song hành cùng với khó khăn, thách thức mà khi thực thi DN phải đối mặt. Trong đó phải kể đến chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của các DN trên thị trường.
 
Đại diện một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trưng bày tại Hội thảo “Chắp cánh tinh thần  khởi nghiệp sáng tạo”.
Đại diện một doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trưng bày tại Hội thảo “Chắp cánh tinh thần khởi nghiệp sáng tạo”.
Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ, ở Đắk Lắk, thách thức mà EVFTA mang lại không ít khi mà thực trạng của nền sản xuất trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, giá trị thấp, chưa áp dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, số lượng DN xuất khẩu của tỉnh ít, khả năng tài chính, quản trị và nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng DN về các FTA còn hạn chế.
 
Để thực thi EVFTA, Việt Nam cần có quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, cần nâng tầm trình độ của các doanh nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực bài bản theo thời gian. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông và cải cách hành chính mạnh mẽ; hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng, bảo đảm thực hiện EVFTA một cách thiết thực, hiệu quả...” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân, các DN của Việt Nam, đặc biệt là DNNVV trong thời gian qua còn thờ ơ với việc nâng cao năng lực người lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và năng lực của DNNVV còn hạn chế. Vì vậy, để tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, DN cần lưu ý để có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của mình trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới. 

Đặc biệt là cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có kế hoạch đào tạo nghề bài bản và hướng đến liên kết chuỗi với DN lớn trong xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, cần chỉ đạo tăng cường triển khai tuyên truyền để các DNNVV Việt Nam hiểu rõ hơn về nội dung và hướng dẫn thực hiện những nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA, những khía cạnh DN có thể khai thác và hưởng lợi từ hiệp định này.
 
Nhiều chuyên gia, hiệp hội và các tổ chức đại diện cho DN cho rằng, trong thời gian tới, một trong những việc DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định. Đặc biệt, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất và đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.