Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

10:43, 13/08/2020
Một trong những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Bông trong nhiệm kỳ vừa qua là những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
 
Điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Krông Bông còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 21-7-2016 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu nâng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo tại các vùng, địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện có Kế hoạch số 250/KH-UBND, ngày 12-8-2016 về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, theo đó chỉ tiêu đề ra mỗi năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo.
 
Giai đoạn 2016 – 2020, xã Hòa Sơn được đánh giá là địa phương đi đầu ở huyện Krông Bông trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Đình Sâm, trong công tác giảm nghèo, địa phương đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại buôn đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn khó khăn.
 
Đồng thời, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 32,7% (năm 2016) hiện giảm xuống còn 11%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn huyện.
 
Mô hình trồng nghệ trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền.
Mô hình trồng nghệ trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu giảm nghèo huyện Krông Bông, 5 năm qua, huyện đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án với kinh phí gần 47 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 24,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21,3 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ đóng góp của nhân dân. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2016 - 2020, đã cấp 206.049 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
 
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, huyện đã tổ chức 42 lớp đào tạo nghề may gia dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi… cho 1.470 lao động nông thôn, trong đó có 238 học viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện tốt công tác cho vay vốn hỗ trợ 19.333 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, với số vốn vay hơn 419 tỷ đồng. 
 
Với những giải pháp đồng bộ, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Bông giảm từ gần 39% xuống còn gần 28,4%, bình quân mỗi năm giảm hơn 2,6%, dự kiến đến cuối năm nay giảm còn gần 24%.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long, điều đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo ở địa phương là ý thức vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo ngày càng được nâng cao. Giai đoạn 2020 – 2025, huyện xác định giải pháp trọng tâm là thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó cố gắng huy động vốn đóng góp của doanh nghiệp, các nhà tài trợ và sự tham gia đóng góp của người dân để đẩy mạnh công tác giảm nghèo.
 
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực phân bổ cho địa bàn các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn nhằm giảm bớt sự dàn trải về nguồn lực và tăng hiệu quả của chính sách; tổ chức lồng ghép có hiệu quả với chương trình nông thôn mới và các chương trình khác trên địa bàn nhằm thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển.
 
Cùng với đó, kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất; quy hoạch và đầu tư đồng bộ các điểm định canh, định cư, tạo điều kiện cho các hộ dân di cư tự do, du canh, du cư ổn định làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
Minh Thông
  
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.