Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột trên hành trình xây dựng đô thị bản sắc, văn minh, hiện đại

07:17, 29/01/2020

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên.

Sau 45 năm, kể từ ngày giải phóng, TP. Buôn Ma Thuột đã xuất hiện nhiều công trình mới với quy hoạch hợp lý, như hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, mạng lưới viễn thông, công viên cây xanh, quảng trường và nhiều thiết chế văn hóa khác trong lòng đô thị. Bên cạnh đó, thành phố có cả một hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng được đánh giá là hiện đại của khu vực Tây Nguyên. Các khu, cụm công nghiệp thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Công tác quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với sự phát triển đô thị được đặc biệt quan tâm…

Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm qua được thành phố triển khai quyết liệt, hướng đến mục tiêu mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan đóng chân trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các quy tắc ứng xử về văn minh đô thị.

TP. Buôn Ma Thuột rất chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống. Năm 2019, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành phố chú trọng thu hút đầu tư. Trong ảnh: Tinh Hoa farm Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành phố chú trọng thu hút đầu tư. Trong ảnh: Tinh Hoa farm Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, quan điểm chỉ đạo của Thành uỷ luôn xuyên suốt trong các thời kỳ đó là lấy văn hóa làm nền tảng. Chính vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gắn với việc nâng cao đời sống của người dân luôn được quan tâm. Thành phố đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 bằng những việc làm cụ thể như: phục hồi các bến nước, lễ hội dân gian, nhạc cụ, nghi thức tâm linh phù hợp với đời sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, làm cho người dân thấy được giá trị bảo tồn và sự đóng góp của chính mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ấy và hòa vào đời sống văn minh đô thị.

Hạ tầng giao thông tiếp tục được TP. Buôn Ma Thuột chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ.  Tron ảnh: Đường tránh phía Tây đoạn qua xã Cư Êbur.
Hạ tầng giao thông tiếp tục được TP. Buôn Ma Thuột chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ. Trong ảnh: Đường tránh phía Tây đoạn qua xã Cư Êbur.

Chủ tịch UBND thành phố Trương Công Thái cho biết: Để TP. Buôn Ma Thuột thực sự trở thành đô thị hiện đại, văn minh là trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên như Kết luận 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chính quyền thành phố đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị đầu mối, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế-xã hội cấp vùng.

Phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, giá trị văn hóa, tạo hình ảnh đô thị có bản sắc riêng. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường, tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, hướng đến xây dựng xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Trung ương và tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm như: tuyến tránh thành phố đường vành đai phía Đông; đường vành đai phía Tây 2; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29; xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (Khánh Hòa); cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng); Dự án đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (Phú Yên); xây dựng các cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế; xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê (Trích Kết luận 67 KL-TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Ngọc Khuê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.