Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng cây ăn trái

07:14, 29/01/2020

Phát triển cây ăn trái đang được xem là lợi thế mới của Đắk Lắk, giúp hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn sỏi đá...

Đa dạng các loại quả

Đắk Lắk đang được ví là vựa cây ăn quả của Tây Nguyên, với trên 20.000 ha các loại cây như bơ, sầu riêng, mít, vải, cây có múi... phân bố trên nhiều loại đất, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu hằng năm từ các loại cây ăn quả trong tỉnh ước đạt từ 480-500 tỷ đồng. Đặc biệt là sầu riêng, vải của Đắk Lắk có chất lượng tốt nhưng lại thu hoạch muộn hơn (khoảng một tháng) so với các vùng sản xuất khác trên cả nước nên giá bán cũng cao hơn.  

Tương tự, các giống xoài Thái Lan, Đài Loan, Úc, Cát Hòa Lộc… từng được coi là đặc sản của miền Tây nhưng hiện nay đã được di thực lên Đắk Lắk và được nông dân điều chỉnh cho ra quả theo ý muốn, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với xoài thường. Trong khi đó, các dòng bơ ngoại nhập có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như bơ Úc, bơ Cuba, bơ Hass (Mỹ)… cũng được nông dân Đắk Lắk phát triển mạnh bên cạnh các giống bơ địa phương đã giúp Đắk Lắk gần như có bơ quanh năm.

Nông dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc)  thu hoạch sầu riêng.
Mô hình trồng mít Thái của hộ nông dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar).

Điều đáng mừng là việc phát triển cây ăn trái đã giúp những vùng đất khô cằn ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Ea Kar trở thành những vựa trái cây của tỉnh. Huyện M’Đrắk là một minh chứng, với đặc thù kiểu khí hậu khô nóng, nhiều diện tích đất pha cát không phù hợp trồng cây công nghiệp  nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả (như nhãn, vải thiều, cam, quýt…), mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó.

Công nghệ sấy quả tươi lên ngôi

Cùng với sản xuất phát triển về diện tích, sản lượng cây ăn quả thì nhiều cơ sở sấy củ, quả tươi trên địa bàn tỉnh cũng ra đời để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo ra những sản phẩm trái cây chế biến sâu mang lại giá trị cao.

Đơn cử như Cơ sở sản xuất Thành Nam (huyện Ea H’leo) đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị máy móc chế biến trái cây, rau củ. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất 300 kg sản phẩm rau, củ, quả sấy (gồm sấy giòn và sấy dẻo) phục vụ thị trường từ nguồn nguyên liệu trong vùng. Điều này đã giúp các sản phẩm rau quả của địa phương nâng cao giá trị, đồng thời thúc đẩy sản xuất.

Mô hình trồng mít Thái  của hộ nông dân xã Ea Sô  (huyện Ea Kar).
Nông dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) thu hoạch sầu riêng. 

Cũng là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực chế biến, anh Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar) cho hay, các sản phẩm được Hợp tác xã sản xuất thử nghiệm gồm mít sấy dầu chân không, sấy dẻo; sầu riêng sấy lạnh thăng hoa; xoài, thanh long sấy dẻo... Nguồn nguyên liệu sản xuất được chọn lọc kỹ ngay từ vườn của nông dân trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm của Hợp tác xã đã xây dựng được nhãn mác, logo, mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc để dần định vị thương hiệu trên thị trường.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đắk Lắk có khoảng 400 cơ sở chế biến, trong đó có 200 cơ sở chế biến cà phê, còn lại là mắc ca, điều, ca cao, củ quả… Việc xuất hiện ngày một nhiều những cơ sở chế biến củ, quả khô cũng là tín hiệu đáng mừng cho phát triển bền vững các loại cây ăn quả của địa phương.

Đắk Lắk đang tập trung giữ ổn định diện tích cây ăn quả hiện có và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng mã vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến để gia tăng giá trị cho trái cây địa phương.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.