Multimedia Đọc Báo in

Rượu cần truyền thống nỗ lực khẳng định thương hiệu

08:54, 30/12/2016

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, không ít gia đình người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã sản xuất rượu cần để bán, tăng thêm thu nhập, vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Những ngày cuối năm, gia đình chị H’Hương Byă (SN 1962, tên thường gọi là Amí Dzoan) ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đang hối hả chuẩn bị rượu cần phục vụ dịp tết. Dự tính Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Amí Dzoan xuất bán trên 200 ché rượu cần theo đơn đặt hàng từ các tỉnh thành xa như Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… Rượu cần Amí Dzoan hiện đã được các ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ sở sản xuất rượu cần của gia đình chị Trương Thị Hoa  ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).
Cơ sở sản xuất rượu cần của gia đình chị Trương Thị Hoa ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Amí Dzoan cho hay, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ và bà truyền dạy “bí quyết” làm nên một ché rượu cần ngon. Lúc đầu chị chỉ làm phục vụ trong sinh hoạt gia đình, dần dà chị làm với số lượng lớn để bán cho những ai có nhu cầu. Tiếng lành đồn xa, lượng người đến đặt hàng ngày càng đông nên chị đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trung bình mỗi năm, gia đình chị ủ và bán trên 600 ché rượu cần với mức giá từ 200.000 - 500.000 đồng/ché.

Theo Amí Dzoan, chất lượng của rượu cần phụ thuộc chủ yếu vào men ủ. Để có được men rượu ngon, Amí Dzoan phải đi khắp các đồi, rẫy trong vùng tìm lá và rễ cây Loong Hyam, gừng, ớt đem về giã nát, vắt lấy nước rồi trộn cùng bột gạo, đem phơi khô. Men rượu sau đó giã nhỏ trộn đều với nếp, để qua một đêm thì cho vào ché, lấy lá chuối khô đậy lại mang đi ủ, khoảng một tháng sau là rượu chín. Khác với rượu cần sử dụng men công nghiệp, rượu cần của Amí Dzoan để càng lâu thì càng thơm ngon, rượu càng ngọt, nồng nên được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng tìm đến ngày một đông.

Chị Trương Thị Hoa (SN 1968, tên thường gọi là H’Hoa) ở buôn Ea Yông B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc), sau khi lấy chồng là người dân tộc Jrai, chị được mẹ chồng truyền lại cho nghề làm rượu cần truyền thống của gia đình. Đến nay chị đã khẳng định được thương hiệu “Rượu cần H’Hoa” hơn 20 năm. Chị cho biết, mỗi khi các thôn, buôn trong vùng tổ chức lễ hội, tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay… đều đến nhà chị đặt mua rượu cần. Không chỉ vậy, rượu cần H’Hoa còn được một số cửa hàng bán đồ lưu niệm và đặc sản Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh đặt mua để bán cho khách du lịch, khách mua làm quà biếu. Mỗi năm gia đình chị sản xuất và bán ra khoảng 400 ché rượu cần, đặc biệt vào dịp lễ, tết lượng tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 70% số lượng bán ra mỗi năm.

Amí Dzoan gắn bó với nghề làm rượu cần truyền thống từ nhiều năm nay.  Ảnh: D. Tiến
Amí Dzoan gắn bó với nghề làm rượu cần truyền thống từ nhiều năm nay. Ảnh: D. Tiến

Theo ông Lê Ngọc Quế, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), rượu cần đối với người Tây Nguyên là sản phẩm văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Trong bất kể sinh hoạt văn hóa nào của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hình ảnh ché rượu cần đều không thể vắng mặt. Rượu cần đang dần trở thành đặc sản của vùng đất Tây Nguyên được người dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến, thưởng thức và đánh giá cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên dưới 100 cơ sở, hộ gia đình sản xuất rượu cần truyền thống để bán ra thị trường. Đây không chỉ là một nghề tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn là để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

“Để góp phần giữ gìn, quảng bá về những nét văn hóa truyền thống quý báu của tỉnh nhà đến bạn bè, du khách gần xa, Sở đang nghiên cứu đến phương hướng khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống rượu cần đi vào hoạt động quy củ, hiệu quả hơn” - ông Lê Ngọc Quế nói.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.