Multimedia Đọc Báo in

"Mở lối" cho nông sản Đắk Lắk tiêu thụ tại Long An

15:15, 14/09/2016

Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN), nhà chức trách hai tỉnh Đắk Lắk và Long An đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thúc đẩy liên kết để phát triển giữa hai địa phương.

Đầu tháng 9 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra buổi giao lưu giữa các DN hai tỉnh Đắk Lắk và Long An do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Hơn 30 DN của hai tỉnh đã ngồi lại, trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương với mong muốn hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường tại hai tỉnh.

Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, mỗi tỉnh đều có những điều kiện, thế mạnh riêng để phát triển thương mại, Đắk Lắk có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu cà phê, nông sản, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ..., phía Long An có thanh long ruột đỏ, chanh không hạt, phân vi sinh và nhất là thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, hạt điều và phân bón các loại.

Doanh nghiệp Đắk Lắk và Long An tìm cách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa hai địa phương.
Doanh nghiệp Đắk Lắk và Long An tìm cách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa hai địa phương.

Đến nay, DN 2 tỉnh đã có các hoạt động về hợp tác trao đổi trong lĩnh vực mua - bán nông sản, vận chuyển hàng hóa và cung cấp trang thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Từ năm 1999, nhiều sản phẩm của DN tỉnh Long An đã có mặt và được đông đảo người tiêu dùng Đắk Lắk đón nhận như thịt hộp của Công ty TNHH Á Đông, gạch xây dựng công nghệ cao của Công ty TNHH Ngân Hà… Ông Trần Xuân Yểm, Giám đốc Công ty TNHH Á Đông, chuyên ngành thực phẩm đóng hộp xuất khẩu khẳng định, Đắk Lắk là thị trường giàu tiềm năng để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm của Long An như thịt hộp, cá hộp, pa tê... Chuyến làm việc lần này, không chỉ là việc xúc tiến mở đại lý phân phối, đẩy mạnh kênh tiêu thụ tại Đắk Lắk mà quan trọng hơn, công ty muốn kết nối để nhập nguồn nguyên liệu thịt heo, bò và hạt tiêu bảo đảm chất lượng với nguồn cung ổn định, giá thành hợp lý tại Đắk Lắk thay vì nhập từ các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai như trước đây. Được biết, trung bình mỗi ngày, DN này tiêu thụ khoảng 20 tấn thịt các loại và 1 tạ hạt tiêu.

Hội cơ khí tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nhiều DN của tỉnh đã chế tạo được các loại bơm tưới chất lượng cao, đặc biệt là bơm chìm Dafovina (cơ khí Đăng  Phong) có khả năng bơm ở độ sâu trên 100 mét và đẩy đi xa hơn 500 mét, bất chấp địa hình đồi dốc, có giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm cùng loại mua từ nơi khác. Trước thông tin này, ông Bùi Văn An, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Vĩnh Thành Phát (Phó Chủ tịch Hội hữu  nghị Việt Nam - Campuchia tại Long An) cho hay, ông sẵn sàng kết nối đưa sản phẩm này không chỉ tiêu thụ tại thị trường Long An mà còn phục vụ cho cộng đồng người Việt, DN đang tham gia sản xuất nông nghiệp tại vùng Biển Hồ, Campuchia. Ông nhận định, loại sản phẩm này rất phù hợp, thỏa mãn yêu cầu thực tiễn sản xuất vào mùa nước nổi và mùa khô khu vực Biển Hồ. Các DN tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và mong muốn hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường Long An các sản phẩm cà phê bột, hàng thủ công mỹ nghệ, bơ, hạt điều, gạo … Một số DN như Công ty cà phê 721, cơ khí Đắc Hải cho rằng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trên tại Long An không phải là không nhiều, vấn đề còn lại làm thế nào để bắt tay với nhà phân phối tại tỉnh này để kết nối,  phát triển thị trường cho hiệu quả…

Được tiếp cận trực tiếp các nhà chế biến, DN Long An, các DN địa phương mong muốn được chia sẻ thêm thông tin về thị hiếu cũng như nhu cầu của khách hàng, hợp tác phân phối sản phẩm mà không phải qua khâu trung gian để mang đến mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng hai tỉnh .

Trước đề đạt này, ông Võ Văn Ba, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Long An khẳng định, Liên hiệp sẽ nỗ lực, tạo mọi điều kiện để sản phẩm của Đắk Lắk có mặt tại địa phương. Cụ thể, sẽ hỗ trợ kết nối với nhà phân phối, DN tại Long An; đồng thời, tổ chức đăng tải thông tin, giới thiệu về DN cũng như hàng hóa của các DN Đắk Lắk trên webside của  Hội.

Tỉnh Long An hiện có 35 khu, cụm công nghiệp với rất nhiều nhà máy chế biến thực phẩm như thịt hộp, hạt điều sấy, bún gạo khô, hàng gia vị…, nhưng một trong những khó khăn hiện nay là không có vùng nguyên liệu tại chỗ. Với thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk, nhiều DN phía Long An kỳ vọng, đây sẽ là nơi cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý, là cơ hội tốt, góp phần giúp DN địa phương tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ khách hàng hiệu quả nhất.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.