Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ Công thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016: Thúc đẩy mở rộng thị trường mới

09:30, 15/06/2016

Hội chợ Công thương khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương Đắk Lắk tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến hết 15-6 tại TP. Buôn Ma Thuột, thu hút hơn 450 gian hàng của 200 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Hội chợ bao gồm các  ngành hàng: Nông thủy sản, thực phẩm, hàng gia dụng, tiêu dùng, thời trang, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề…

Người tiêu dùng tham quan gian hàng sản phẩm làng nghề của HTX sản xuất nón lá Mỹ Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Người tiêu dùng tham quan gian hàng sản phẩm làng nghề của HTX sản xuất nón lá Mỹ Trạch (tỉnh Quảng Bình).

Đây là một hoạt động nằm trong chương trình khuyến công quốc gia năm 2016, là dịp để các doanh nghiệp (DN) giao lưu hợp tác, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thêm thị trường mới. Cũng là hội chợ đầu tiên được tổ chức trong năm nay nên đã thu hút được nhiều khách tham quan, đặc biệt là bà con nông dân - họ đến để tìm kiếm cho mình những nông cụ sản xuất, giống cây trồng hữu ích. Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến, làng nghề, thủ công mỹ nghệ của các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị, đặc sản địa phương, giống cây trồng của Bến Tre, Đà Nẵng… luôn có nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Điều làm người dân thích nhất có lẽ là hoạt động tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng từng loại sản phẩm để mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Trong đó, khu trưng các sản phẩm của Hội cơ khí Đắk Lắk luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bà con nông dân, bởi họ được  gặp gỡ nhà sản xuất, tìm hiểu rõ về tính năng, công dụng đối với các sản phẩm xay xát của Hưng Thịnh, Đắc Hải, bơm chìm của Đăng Phong, gạch không nung Đại Tín… Cùng với đó, gian hàng bày bán các loại gạo 721 của Công ty TNHH MTV cà phê 721 (Đắk Lắk) cũng thu hút nhiều người tiêu dùng (NTD). Mới xuất hiện trên thị trường vài năm nhưng thương hiệu gạo 721 với các loại gạo ML-48, RVT, OM 4900 có giá từ 11.000 đến 14.000 đồng/kg, đã không còn quá xa lạ với NTD địa phương. Đây là đơn vị duy nhất của tỉnh vừa sản xuất, vừa chế biến gạo, mỗi năm cung ứng ra thị trường 1.000 tấn; theo đó, các quy trình từ khâu chọn giống, bón phân, chăm sóc, thu hoạch và chế biến được khép kín, bảo đảm theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giới thiệu sản phẩm gạo 721 tại hội chợ.  Ảnh: Đỗ Lan
Giới thiệu sản phẩm gạo 721 tại hội chợ. 

Bên cạnh đó, các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh, thành như: kẹo dừa, giống cây trồng Bến Tre, nước mắm Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, đặc sản khô Đà Nẵng, trầm hương Quảng Nam, làng nghề nón lá Quảng Bình… càng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của NTD địa phương. Gian hàng cây giống của tỉnh Bến Tre có lẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn cả. Đến hội chợ lần này, anh Nguyễn Tấn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Tấn Hóa (Bến Tre) mang theo hơn 1.000 cây giống các loại, tăng 20% so với những lần trước. Anh cho biết, đây đã là lần thứ 3 anh mang hàng hóa tham gia hội chợ tại Đắk Lắk và lần nào cũng bán hết hàng. Các giống sầu riêng ghép, dừa bến tre, bơ booth trái vụ là những cây trồng được bà con tin tưởng chọn mua nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, cũng có những DN lần đầu tiên mang sản phẩm giới thiệu tại địa phương chỉ để thăm dò thị trường và mong được nhiều người biết đến hơn như Hợp tác xã sản xuất nón lá Mỹ Trạch (Quảng Bình), trầm hương xứ Quảng của cơ sở Phượng Hoàng (Quảng Nam), Nón bảo hiểm xốp cao cấp được làm từ bột khí siêu nhẹ dành cho trẻ em của Công ty TNHH Calong (TP. Hồ Chí Minh)… Chị Trần Thị Nga, chủ gian hàng mũ bảo hiểm Calong cho hay, mặc dù được cam kết về chất lượng, đạt tiêu chuẩn Châu Âu và đã được đăng ký độc quyền tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam nhưng sản phẩm vẫn còn khá mới mẻ với NTD địa phương. Do đó, tại hội chợ này, không chỉ là việc giảm giá sâu cho sản phẩm (giảm đến 20%) mà đơn vị chú trọng giới thiệu, tư vấn để khách tham quan hiểu và tin dùng. Mục đích quan trọng hơn của chuyến đi lần này là chị sẽ tìm để mở thêm đại lý phân phối độc quyền sản phẩm của công ty tại Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm được bày bán, trưng bày, hội chợ lần này là dịp để các DN của các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên tôn vinh các sản phẩm thế mạnh, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát huy tiềm lực thị trường nội địa, đẩy mạnh công tác quảng bá, giao thương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng.        

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.