Multimedia Đọc Báo in

Cư M'gar hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

09:09, 14/06/2016

Với tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Cư M’gar đang chuẩn bị tích cực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Thành công bước đầu

Để từng bước triển khai ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, năm 2012, UBND huyện Cư M’gar giao cho Trung tâm dạy nghề huyện thí điểm trồng loại dưa lưới Chu Phấn (Đài Loan), một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá thành cao từ 30 đến 100 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt được kỹ thuật, hai vụ thử nghiệm đầu tiên đều thất bại do phụ thuộc thời tiết tự nhiên, cây bị dịch bệnh, các loại côn trùng, sâu bệnh đốt làm quả thối, hư rễ... Trung tâm đã cử cán bộ về Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh học tập, chuyển giao phương pháp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, Trung tâm đã xây dựng một khu thực nghiệm NNCNC trên diện tích 300 m2. Kết quả thật bất ngờ: năng suất của cây dưa lưới đạt rất cao. Cây dưa khi ra trái phát triển tốt, không có hiện tượng rụng quả. Chỉ trong vòng 70 ngày, 580 dây giống đã cho năng suất hơn 800 kg, trọng lượng mỗi quả đạt 1,6 đến 2 kg. Tính ra chi phí đầu tư chỉ 8 triệu đồng nhưng đã thu về được hơn 20 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa lưới cho năng suất cao.
Mô hình trồng dưa lưới cho năng suất cao.

Không chỉ có dưa lưới Chu Phấn (Đài Loan), hiện tại khu vực trồng thử nghiệm của Trung tâm cũng đã thực nghiệm thành công nhiều loại cây, hoa như: hoa lan, cà chưa, dưa leo, bí, xà lách, rau cải… Các loại cây, rau sau khi cho thu hoạch, Trung tâm đã gửi mẫu về Khu NNCNC TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm chất lượng và các mẫu đều đạt chất lượng trên tiêu chuẩn VietGAP, không có hàm lượng kim loại nặng, nitrat…

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện, việc ứng dụng NNCNC cho rất nhiều lợi ích như: toàn bộ chế độ chăm sóc dinh dưỡng, nước tưới cho cây được kiểm soát, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường; sử dụng phân hữu cơ; khống chế được dịch hại, sâu bệnh; người làm NNCNC cũng không bị ảnh hưởng sức khỏe vì không dùng hóa chất độc hại; năng suất và giá trị sản phẩm được nâng cao; sức khỏe người tiêu dùng được bảo đảm …

Tiềm năng phát triển NNCNC

Huyện Cư M’gar có thế mạnh về nông nghiệp với tổng diện tích tự nhiên là 824,43 km2 , trong đó đất nông nghiệp 69.191,44 ha, riêng đất đỏ bazan (Fk) chiếm 65,11%, rất phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Cư M’gar là vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh với 36.000 ha. Tuy nhiên, phần lớn được trồng từ những năm 1995 nên diện tích cây cà phê cần tái canh lớn, đặt ra nhu cầu bức thiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nhằm khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng của địa phương. Mặt khác huyện cũng có nhiều diện tích đất được các hộ trồng rau và hoa màu nhưng với qui mô nhỏ lẻ, thời vụ trồng còn phụ thuộc vào thời tiết. Theo ông Mười, việc đầu tư phát triển NNCNC là xu thế tất yếu, từng bước hỗ trợ cho người dân khắc phục được những nhược điểm về thời tiết cũng như tăng năng suất, phát triển thành vùng chuyên sản xuất lớn có giá trị cao và mang tính hàng hóa.

Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar giới thiệu mô hình trồng dưa lưới theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.  Ảnh: Hồng Chuyên
Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar giới thiệu mô hình trồng dưa lưới theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hồng Chuyên

Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, định hướng phát triển NNCNC nằm trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần VIII nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện. Theo đó, trong tương lai huyện sẽ kêu gọi đầu tư và xây dựng khu NNCNC tập trung với diện tích khoảng 50 ha và thành lập Ban quản lý là đầu mối kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất kết hợp với phân phối, bao tiêu sản phẩm. Ông Trương Văn Chỉ cho rằng: “Việc gia nhập TPP sẽ yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao cung ứng ra thị trường ngày càng bức thiết. Do đó, chủ trương của huyện khi phát triển NNCNC là hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường…”.        

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.