Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường kiểm soát hàng hóa, góp phần bảo vệ người tiêu dùng sắm tết

09:05, 18/12/2015

Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn hiện tập kết về khá lớn và nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng lên từng ngày. Đây cũng là lúc vấn nạn phải hàng giả, hàng kém chất lượng càng có cơ hội tràn ra thị trường. Do đó, cần phải tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn, làm “sạch” thị trường góp phần bảo vệ người tiêu dùng (NTD) mua sắm.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh.

*Xin ông cho biết diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua?

Trong những năm qua tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của NTD đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính khi có sản phẩm bị làm giả... Riêng năm 2015 tại tỉnh Đắk Lắk hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán và tiêu thụ khắp mọi nơi từ trung tâm huyện, thị, thành phố đến các xã vùng sâu, vùng xa; từ lề đường, chợ, cửa hàng bán lẻ đến các quầy hàng tạp hóa, thậm chí len lỏi, trà trộn cả ở trung tâm thương mại, diễn biến khá phức tạp và khó kiểm soát. Tập trung nhiều nhất là các mặt hàng mỹ phẩm, thuốc lá, nhất là thực phẩm chức năng và sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, quần áo, giày da, mỹ phẩm, phân bón, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, nước uống đóng chai... Ngoài ra, tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá trái phép và vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu cũng diễn biến khá phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi và có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra, phát hiện và xử lý  84 vụ vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ, giá trị hàng hóa tịch thu 258.000.000 đồng, xử phạt hành chính nộp vào NSNN 562.000.000 đồng.

* Theo ông thì đâu là nguyên nhân của vấn nạn nêu trên?

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do trình độ dân trí còn thấp, thiếu thông tin nên vấn đề phân biệt hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, một bộ phận NTD lại thích mua sắm hàng hóa có mẫu mã đẹp, đa dạng nhưng giá phải rẻ; đánh vào tâm lý đó, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại có cơ hội phát triển mạnh trên thị trường. Riêng bản thân DN khi có hàng hóa bị làm giả thì ngại phối hợp với cơ quan chức năng, sợ công bố có hàng giả của hàng hóa mình thì sẽ hạn chế khả năng kinh doanh. Về hình thức xử lý thì hiện nay mức xử phạt hành chính chưa đủ mạnh để răn đe, trong khi, lực lượng QLTT thì còn mỏng, máy móc, thiết bị để xác định hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng chưa thể đáp ứng.

Tịch thu lượng lớn sữa nước Ensure không được phép  bày bán, lưu hành tại Việt Nam.
Tịch thu lượng lớn sữa nước Ensure không được phép bày bán, lưu hành tại Việt Nam.

* Được biết, nổi lên trong thời gần đây là tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu khi lực lượng QLTT liên tiếp bắt quả tang các vụ việc gắn chip điện tử làm sai số trong đo lường. Ông có thể  thông tin thêm về vấn đề này?

Xăng dầu là một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn. Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này cao cũng khiến tình trạng gian lận thương mại, hành vi vi phạm tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến NTD. Do đó, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra và phát hiện xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu luôn được lực lượng chức năng chú trọng và liên tiếp mở các đợt cao điểm đấu tranh. Đáng chú ý là gian lận về đo lường xăng dầu ngày càng tinh vi, nhiều điểm kinh doanh đã tìm cách móc túi người tiêu dùng bằng cách gắn chíp IC để gian lận về số lượng, làm sai số lượng xăng bán ra cho khách. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015, lực lượng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 38 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, thu nộp vào NSNN 1.445.000.000 đồng; tịch thu 9 cột đo xăng dầu, 9 giấy chứng nhận kiểm định cột đo vi phạm; tước 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với 9 cơ sở vi phạm về gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu có thời hạn 3 tháng.           

*Để bảo vệ NTD mua sắm trong dịp Tết, Chi cục QLTT đã có biện pháp gì để ngăn chặn và hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thưa ông?

Công tác chống hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của các cơ quan chức năng. Để bảo vệ NTD đón tết, Chi cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường, cử các đội QLTT trực thuộc bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra giám sát, chủ động nắm diễn biến thị trường, dự báo tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và tăng cường công tác kiểm tra đột xuất khi có nguồn tin báo. Đồng thời, tăng cường thu thập, khai thác thông tin từ những nguồn tin đáng tin cậy, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong việc cung cấp thông tin, làm rõ phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh, vận động họ ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, NTD cũng nên cương quyết nói không với hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhất là hàng hóa có giá rẻ; đồng thời, xem kỹ thông tin về hàng hóa và lựa chọn những nơi sắm tết đáng tin cậy.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.