Multimedia Đọc Báo in

Để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản Đắk Lắk

08:52, 16/12/2015

Đắk Lắk có diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm trên 50% toàn vùng Tây Nguyên. Trong đó, sản xuất giống thủy sản đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương và các tỉnh lân cận.

Toàn tỉnh có 3 hệ thống sông, cùng khoảng 778 hồ, đập thủy lợi phân bố tương đối đồng đều, là lợi thế lớn cho nghề cá phát triển, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với lợi thế trên, những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, với mức tăng trưởng bình quân về diện tích 4,9%/năm, sản lượng khoảng 24,8%/năm, giá trị tăng 46,5%/năm, thu hút được hơn 4.000 lao động. Giá trị sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản đóng góp từ 80,8% - 89,9% tổng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản nói chung của tỉnh. Nuôi trồng thủy sản cũng đóng vai trò lớn trong việc cung cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nên đã trở thành lĩnh vực thu hút không ít lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân nuôi cá lăng nha đuôi đỏ tại hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Người dân nuôi cá lăng nha đuôi đỏ tại hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Để khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2020 với quan điểm: khai thác hiệu quả tiềm năng và tiềm lực để phát triển thủy sản theo hướng ổn định, bền vững gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh; tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từng bước đẩy mạnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các lĩnh vực trong ngành như nuôi trồng, khai thác và cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá. Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh ở những nơi có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn nước để tạo sản phẩm tập trung, hàng hóa gồm các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột. Riêng tại huyện Ea Kar, sẽ xây dựng thành trung tâm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh sản xuất và ươm nuôi cá giống cung cấp cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản của tỉnh, vùng và khu vực lân cận; đồng thời phát triển nuôi cá ao và hồ chứa, tập trung nuôi trồng thủy sản ở xã Cư Ni và đẩy mạnh phát triển nuôi ở các xã Ea Đar, Ea Păl, Ea Týh... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá hồ chứa ở tất cả các địa phương, đặc biệt là nuôi cá lồng ở huyện Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Đôn, Lắk và Krông Bông với đối tượng nuôi phù hợp từng vùng, khu vực và thủy vực. Đa dạng hóa đối tượng nuôi, đặc biệt chú trọng các đối tượng có giá trị kinh tế cao để khai thác hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên và giảm rủi ro về thị trường, môi trường và dịch bệnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và đưa vào sản xuất các đối tượng đặc hữu, bản địa có giá trị kinh tế phục vụ tiêu dùng nội địa và du lịch tại chỗ…

Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang thu hoạch cá rô phi đơn tính.
Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đang thu hoạch cá rô phi đơn tính.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiều giải pháp về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2015-2020 được đề ra để tập trung triển khai đồng bộ, như: chuyển đổi các loại đất phù hợp sang nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản. Các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, trôi mrigan, rô hu… là đối tượng nuôi chính và sản xuất giống chủ lực của vùng; nghiên cứu, phát triển sản xuất các loài cá đặc sản, bản địa và cá nước lạnh. Khuyến khích người dân mua giống có giấy chứng nhận chất lượng giống sạch. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm dịch con giống. Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho cá tại chỗ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường tuyên truyền tập huấn về kinh nghiệm và kỹ thuật sử dụng thuốc hóa chất; kiểm tra kiểm soát và xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu sản xuất các loại giống mới; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống tốt, giống sạch…

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ vào khoảng 14.800 ha, sản lượng nuôi trồng khoảng 24,8 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt 1.250 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 9.300 lao động. Và để đạt được các mục tiêu của quy hoạch này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đồng thời đầu tư hợp lý, đầy đủ theo thứ tự ưu tiên từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là người dân và chính quyền địa phương.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc