Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

08:13, 25/03/2024

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng mở, linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xác định là nhiệm vụ cấp thiết và mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUANG THUÂN, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Thuân.

♦ Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Đắk Lắk có dân số hơn 1,9 triệu người, trong đó lực lượng lao động khoảng 1,2 triệu người, chiếm khoảng 60% tổng dân số. Là địa phương có lực lượng lao động dồi dào, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 người lao động. Riêng năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.170 người (trong đó xuất khẩu lao động 1.590 người), bằng 100,56% so với kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 2,4%.

Tính đến cuối năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 12.600 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô lao động ít; các ngành nghề phi nông nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa phát triển. Vì vậy số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn ít, chỉ khoảng 112.000 – 120.000 người. Số lao động cư trú ở khu vực nông thôn chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và đi làm việc ngoài tỉnh. Hằng năm có trên 15.000 người lao động của tỉnh đi làm việc ngoài tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, để giải quyết việc làm cho người lao động phải thông qua nhiều giải pháp, trong đó có giải quyết việc làm tại tỉnh, đi làm việc ngoài tỉnh (chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố, như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh) và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay công tác thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề để tạo ra một việc làm mới tại các địa phương vẫn là một bài toán khó.

♦ Xin ông cho biết ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã triển khai thực hiện những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là lao động trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường?

Để nâng cao chất lượng GDNN, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, quyết định liên quan đến nội dung này.

Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp cụ thể đối với các cơ sở GDNN, như: Đầu tư nâng cao năng lực, đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động. Hằng năm tổ chức hội giảng, hội thi thiết bị đào tạo tự làm cho đội ngũ nhà giáo trong cơ sở GDNN; hội thi kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN để tiến tới tổ chức thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Cùng với đó, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề, năng lực quản lý cơ sở GDNN và năng lực của nhà giáo giảng dạy GDNN đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Chỉ đạo các cơ sở GDNN đổi mới chương trình đào tạo theo hướng năng lực thực hiện; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN, khuyến khích và chỉ đạo các cơ sở GDNN tiếp tục thực hiện việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.

Giảng viên hướng dẫn học viên lớp dệt thổ cẩm tại buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) thực hành.

♦ Thời gian tới, nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngành LĐ-TB&XH xác định và tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Đề tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 28/7/2023 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Đắk Lắk năm 2023 - 2025 và ban hành Công văn số 857/UBND-TH, ngày 30/1/2024 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch số 1957/KH-SLĐTBXH, ngày 1/8/2023 về việc thực hiện nhiệm vụ về cải thiện, nâng cao chỉ số "Đào tạo lao động" trong chỉ số thành phần PCI tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025 và ban hành Công văn số 294/SLĐTBXH-LĐVLGDNN, ngày 19/02/2024 về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số thành phần "Đào tạo lao động". Theo đó, đề nghị các đơn vị liên quan, như: Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiệp hội doanh nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp… quan tâm chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh các giải pháp, tích cực tuyên truyền, phổ biến về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông về GDNN, tuyển dụng lao động; tăng cường kết nối doanh nghiệp với trung tâm dịch vụ việc làm, với các cơ sở GDNN…

♦ Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.