Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

08:48, 30/08/2020
 
(Tiếp theo kỳ trước)*
Hỏi: Tôi làm việc tại công ty sản xuất mỹ phẩm và đang trong thời gian nghỉ thai sản. Trước khi sinh con tôi có nghỉ thai sản 1 tháng, đến nay con tôi đã được 2 tháng. Do có ông bà phụ chăm cháu nên tôi muốn sớm quay lại với công việc để có thêm thu nhập cho gia đình. Vậy cho tôi hỏi Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như thế nào về trường hợp này? 
 
(Trần Thị Hồng H.)
 
Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 về nghỉ thai sản thì:
 
“1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
 
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
 
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
 
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
 
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
 
Theo quy định trên, thời gian nghỉ thai sản phải là 6 tháng, bạn có thể đi làm sớm hơn nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Trong trường hợp của bạn, bạn đã nghỉ 1 tháng trước khi sinh và đến nay cháu đã được 2 tháng, nghĩa là bạn đã nghỉ thai sản tổng cộng 3 tháng. Như vậy bạn vẫn chưa nghỉ thai sản đủ thời hạn tối thiểu (4 tháng) theo quy định của pháp luật. Sau khi nghỉ thai sản tối thiểu 4 tháng, bạn có thể quay trở lại làm việc. Lưu ý là bạn phải báo trước việc này với công ty và phải được công ty đồng ý; đồng thời bạn phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của bạn.
 
Hỏi: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu M. (14 tuổi) đang đi học tại trường trung học cơ sở X, huyện C đã xin làm thêm tại cửa hàng bán quần áo của tôi để có tiền phụ giúp gia đình. Xin cho hỏi, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì để thuê M. làm việc thì tôi phải tuân thủ những nguyên tắc gì?
(Lê Minh T.)
 
Trả lời: Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì khi sử dụng lao động là người chưa thành niên làm việc nếu người lao động chưa đủ 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo các quy định sau đây:  
 
1. Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
 
2. Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;
 
3. Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 6 tháng;
 
4. Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.
 
Ngoài ra, người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
 
 Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 
(Còn nữa)
Văn Thị Phương Linh (Sở Tư pháp)
 
(*) Xem từ số báo ra ngày 14-6-2020
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.