Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành Y tế

09:38, 03/04/2013

Thời gian qua, hoạt động y dược tư nhân trên địa bàn đã và đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, tạo thành mạng lưới rộng khắp, phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đi vào hoạt động theo đúng khuôn khổ đang là vấn đề nan giải đối với các nhà quản lý. Bác sĩ Cao Minh Toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế đã chia sẻ với Báo Dak Lak đôi điều về vấn đề này.

* Bác sĩ có thể cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có bao nhiêu cơ sở y dược tư nhân và ngành quản lý các cơ sở này như thế nào?

Toàn tỉnh hiện có 1.368 cơ sở hành nghề y và dược tư nhân được cấp phép hành nghề, trong đó chiếm phần lớn là các cơ sở dược với 861 cơ sở và được bố trí từ tỉnh đến huyện, xã, thậm chí có những quầy dược ở tận thôn, buôn nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với cơ sở cung ứng thuốc. Bên cạnh đó, việc hành nghề y đang triển khai theo Luật số 40 của Quốc hội khóa XII năm 2009. Hiện nay, theo yêu cầu của Bộ Y tế, đến hết năm 2013 phải hoàn thành việc cấp phép hành nghề cho các cơ sở y dược tư nhân. Do đó, để thực hiện yêu cầu này, sở Y tế hiện đang tập huấn cho tất cả các đối tượng hành nghề y tư nhân, kể cả trong và ngoài công lập tiếp cận Luật vì Luật áp dụng chung cho cả 2 đối tượng này, dù là trong công lập hay ngoài công lập thì đều phải có chứng chỉ hành nghề. Với tiến độ vài tuần tập huấn 1 lần, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 5 bệnh viện chưa được tập huấn. Khi công tác tập huấn hoàn thành, các cơ sở được tiếp cận Luật và các hướng dẫn thực hiện, chắc chắn việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ của Bộ Y tế giao.

* Theo bác sĩ những bất cập trong quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh là gì?

Trên thực tế, anh em mới tiếp cận với Luật nên mặc dù được phổ biến rất rõ nhưng việc thực thi Luật có lẽ còn cần thời gian rất dài. Điều quan trọng nữa là sự phối hợp giữa ngành Y tế và chính quyền địa phương. Nếu ngành Y tế phổ biến tốt rồi nhưng địa phương không phối hợp trong quản lý sẽ dẫn đến tình trạng: cơ sở hành nghề không có giấy phép hoặc giấy phép không đúng thẩm quyền; hành nghề sai thẩm quyền, quá thẩm quyền, quá quy định; hành nghề di chuyển (Bộ Y tế quy định hành nghề một chỗ nhưng thực tế vẫn có chuyện di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác hoặc là quảng cáo sai, quảng cáo vượt quá năng lực của cơ sở)… Cho nên nếu chỉ riêng ngành Y tế thôi thì rất khó để quản lý các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đi vào hoạt động theo đúng khuôn khổ. Bởi, đối với trách nhiệm trong quản lý nhà nước về y tế, Sở Y tế thực hiện theo nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, tức là phải phổ biến về mặt luật pháp và các hướng dẫn khác để các cơ sở chấp hành đúng. Còn việc quản lý cơ sở tại địa bàn lại thuộc về chính quyền địa phương. Thời gian qua, mặc dù Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương  quan tâm đến công tác này, song trong quá trình quản lý, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng nể nang người trong phường, trong xã nên dù thấy cơ sở hành nghề không đúng vẫn bỏ qua dẫn đến bị lọt sai phạm, không quản lý hết được.

Khám chữa bệnh cho người dân tại một phòng khám chuyên khoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khám chữa bệnh cho người dân tại một phòng khám chuyên khoa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

* Đối với những cơ sở y tế không đủ điều kiện hành nghề nhưng vẫn tiến hành hoạt động khám chữa bệnh cho người dân,  Ngành  xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?

Đương nhiên chuyện cấp phép thuộc về Hội đồng tham mưu quản lý hành nghề y dược tư nhân, nhưng về mặt xã hội, đánh giá thanh tra, kiểm tra cần có sự vào cuộc của cộng đồng chung, trong đó thanh tra Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm chính. Nhưng hiện tại, lực lượng thanh tra Sở Y tế rất mỏng, trong khi số cơ sở hành nghề lại quá lớn, thành thử ở đâu đó, chính quyền địa phương, người hành nghề không tự giác thì  không phải lúc nào cũng phát hiện được sai phạm của các cơ sở.

* Thưa bác sĩ, vì sao thực tế là mặc dù có quy định bác sĩ kê đơn không được trực tiếp bán thuốc nhưng hiện nay, tại nhiều cơ sở nhất là những cơ sở nhỏ lẻ, tình trạng này vẫn diễn ra?

Theo Luật quy định, các phòng khám y học cổ truyền và phòng khám của những người có bài thuốc gia truyền thì có quyền cung ứng thuốc cho người bệnh. Còn đối với các cơ sở tây y, nếu là phòng khám đa khoa đương nhiên được phép có quầy thuốc, nhưng phòng khám chuyên khoa thì không được phép bán thuốc. Song trên thực tế, tại nhiều phòng khám chuyên khoa vẫn bán thuốc, mà người bệnh cũng mặc nhiên chấp nhận, không phản ánh đến cơ quan chức năng . Đương nhiên chúng tôi vẫn biết việc chấn chỉnh tình trạng này là thách thức trong quản lý nhưng để giải quyết được đòi hỏi trách nhiệm chung của cả hệ thống, trong đó có sự tham gia của chính người bệnh. 

*Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc